Malaysia có hơn 3.100 ca nhiễm, cao nhất ở Đông Nam Á, với 50 trường hợp tử vong vì Covid-19. Riêng trong ngày 2.4, Malaysia ghi nhận thêm 208 ca nhiễm mới, mức tăng theo ngày lớn nhất trong một tuần.
"Dựa trên dữ liệu có sẵn, văn phòng WHO dự báo Malaysia sẽ chứng kiến đỉnh dịch vào giữa tháng 4 rồi từ đó các ca nhiễm sẽ giảm dần", bà Ying-Ru Lo, đại diện của WHO phụ trách Malaysia, Brunei và Singapore, nói với Reuters ngày 2.4. Tuy nhiên, bà Lo cảnh báo dự đoán của WHO có thể thay đổi tùy theo tình hình thực tế.
Cùng ngày, ông Noor Hisham Abdullah, quan chức cấp cao của Bộ Y tế Malaysia, cho biết nước này dự kiến sẽ làm chậm tỷ lệ ca nhiễm mới trong tuần đầu tiên hoặc tuần thứ 2 của tháng 4.
Malaysia đẩy mạnh chẩn đoán trong những ngày gần đây, xét nghiệm hơn 7.000 người/ngày, gấp đôi so với hồi tuần trước.
Ở quốc gia láng giềng Indonesia, tỷ lệ xét nghiệm vẫn còn thấp và chính quyền nhiều địa phương đồng loạt kêu gọi chính phủ tăng cường dụng cụ xét nghiệm nhằm sớm phát hiện ca nhiễm, khoanh vùng ổ dịch và chặn đứng đường lây lan.
Với gần 1.800 ca nhiễm, số người chết vì Covid-19 ở Indonesia đã tăng lên 170, bao gồm bé gái 11 tuổi, vào ngày 2.4. Quốc gia đông dân thứ 4 thế giới đã vượt qua Hàn Quốc trở thành nước có số ca tử vong cao thứ 2 ở châu Á, đứng sau Trung Quốc đại lục.
Ngày 2.4, Indonesia đã thả khoảng 18.000 tù nhân nhằm ngăn chặn Covid-19 lan rộng trong hệ thống nhà tù quá tải. “Đây chỉ là một phần trong kế hoạch trả tự do tổng cộng 30.000 tù nhân và có thể nhiều hơn”, bà Rika Aprianti, người phát ngôn của cơ quan quản lý các trại giam Indonesia, cho biết.
Indonesia có 522 nhà tù, nhưng chứa đến 270.000 tù nhân. Những vụ vượt ngục thường xuyên xảy ra và lâu nay các trại giam ở Indonesia lâm vào tình trạng quá đông tù nhân, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, làm tăng nguy cơ lây nhiễm virus Corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19.
Bình luận (0)