Reuters ngày 16.9 đăng bài độc quyền dẫn một số nguồn tin thân cận chính phủ Mỹ tiết lộ Washington đang thúc đẩy để bán 7 hệ thống vũ khí cho Đài Loan.
Các đơn hàng bí ẩn
Tuy nhiên, chi tiết về các loại vũ khí không được chỉ ra rõ ràng. Bài viết của Reuters chỉ tiết lộ chung chung rằng số vũ khí được cung cấp bởi các tập đoàn Lockheed Martin, Boeing và General Atomics. Các hệ thống vũ khí bao gồm máy bay không người lái (UAV) tập trung vào khả năng trinh sát và do thám, hệ thống tên lửa, hệ thống phòng thủ duyên hải bao gồm các loại thủy lôi hiện đại, hệ thống pháo phản lực đa nòng (HIMARS) của Lockheed Martin, tên lửa chống tăng, tên lửa hành trình...
Sau khi Reuters đăng tải bài viết trên, hãng tin CNA dẫn thông tin từ Lực lượng phòng vệ Đài Loan cho rằng các nội dung trên chỉ là do truyền thông đồn đoán, Đài Bắc sẽ chỉ công bố các đơn hàng đặt mua vũ khí theo đúng quy định và sẽ minh bạch các thỏa thuận như vậy.
|
Đến sáng 17.9, tờ The Wall Street Journal đưa tin đơn hàng vũ khí của Đài Loan có giá trị lên đến 7 tỉ USD. Trong đó, dòng UAV mà Đài Bắc muốn sở hữu là một phiên bản của MQ-9B Reaper được tích hợp các cảm biến cần thiết, cùng với những hệ thống phụ trợ.
Thông tin này khá tương đồng với Reuters ở chỗ MQ-9B Reaper được cung cấp bởi General Atomics. Bên cạnh đó, đầu tháng 8, Reuters cũng đã loan tin Đài Bắc đang đàm phán với Washington để đặt đơn hàng gồm 4 UAV cùng trạm điều khiển mặt đất với tổng trị giá khoảng 600 triệu USD. Loại UAV mà Đài Loan muốn mua là SeaGuardian - một phiên bản của dòng Predator B (tức MQ-9 Reaper), nhưng chưa rõ số UAV này có được trang bị vũ khí hay không.
Về tên lửa hành trình mà Đài Loan muốn sở hữu, trả lời Thanh Niên ngày 17.9, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận định đó có thể là tên lửa chống hạm Harpoon phiên bản khai hỏa từ đất liền. Theo TS.Nagao thì Harpoon có thể xem là thuộc loại hành trình.
Chiến lược phòng thủ và đánh chặn
Các thông tin trên tuy chưa được thể hiện chi tiết nhưng vẫn đủ để chỉ ra chiến lược của Đài Bắc, vốn hoàn toàn phù hợp với bối cảnh Trung Quốc đại lục từng nhiều lần nhấn mạnh không từ bỏ giải pháp quân sự trong việc thống nhất Đài Loan. Cụ thể là các UAV sẽ tăng cường khả năng do thám và kiểm soát cả vùng eo biển Đài Loan lẫn các hoạt động phía đất liền ở đại lục.
Bên cạnh đó, Bắc Kinh đã điều động nhiều vũ khí đến Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc. Trong đó có các hệ thống pháo phản lực đa nòng, tên lửa PHL-16 và PCL-191. Ngược lại, loại khí tài HIMARS mà Đài Bắc được cho là đang có kế hoạch mua thì tầm bắn khoảng 300 km và có tính cơ động cao khi được đặt trên các hệ thống xe tải. HIMARS cũng trải qua nhiều chiến trường và tầm bắn đủ sức vượt eo biển Đài Loan - vốn rộng khoảng 180 km. Vì thế, với HIMARS, Đài Bắc có thể đáp trả các cơ sở quân sự nằm ở Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc đại lục.
Ngoài ra, tại Chiến khu Đông bộ của Trung Quốc còn được triển khai nhiều xe bọc thép đổ bộ tấn công Type-05. Để phòng ngừa nguy cơ đổ bộ tấn công, các hệ thống thủy lôi hiện đại của Đài Loan sẽ phát huy hiệu quả. Thậm chí, số thủy lôi này còn giúp hình thành vành đai phòng thủ trước các tàu ngầm của Trung Quốc đại lục.
|
Đầu tháng 8 vừa qua, truyền thông quốc tế đưa tin Đài Loan đã triển khai máy bay chiến đấu F-16 được trang bị tên lửa đối hạm Harpoon (AGM-84). Đây là loại tên lửa đối hạm khá nổi tiếng của Mỹ và được nhiều nước sử dụng, hiệu quả tác chiến cao.
Như thế, nếu mua thêm tên lửa Harpoon phiên bản khai hỏa từ đất liền, Đài Bắc có thể tạo nên mạng lưới phòng thủ chống tàu chiến từ trên không lẫn từ đất liền. Còn tên lửa chống tăng thì đây là vũ khí vô cùng quan trọng để giúp Đài Loan có thể ngăn chặn các lực lượng đổ bộ tiến vào đất liền.
Vì vậy, những loại vũ khí trên sẽ giúp Đài Bắc hình thành hệ thống phòng thủ đa tầng và đánh chặn từ xa trước các nguy cơ tấn công từ bên kia eo biển Đài Loan.
Bình luận (0)