Dân Trung Quốc phẫn nộ vì bị pháp luật 'làm khó' khi ly hôn

19/05/2021 12:30 GMT+7

Điều luật mới gây tranh cãi khi quy định các cặp vợ chồng phải có một khoảng “thời gian hạ nhiệt” kéo dài 30 ngày trước khi việc ly hôn chính thức có hiệu lực.

Hoàn Cầu thời báo dẫn số liệu do Bộ Dân chính Trung Quốc công bố, có 296.000 vụ ly hôn được đăng ký trong 3 tháng đầu năm 2021, giảm so với con số 1,06 triệu vụ của Quý 4/2020 và 1,05 triệu vụ của Quý 1/2019.

Tỷ lệ ly hôn giảm

Tỷ lệ ly hôn của Trung Quốc trước đó đang tăng đều trong khi tỷ lệ kết hôn lại giảm. Xu hướng này được cho là có liên quan đến tỷ lệ sinh thấp đang gây ra cuộc khủng hoảng nhân khẩu học của Trung Quốc hiện nay.

Ly hôn giảm 70% sau quy định “hạ nhiệt” tại Trung Quốc

Để đối phó với xu hướng này, chính phủ Trung Quốc đã đẩy mạnh tuyên truyền các giá trị gia đình và hôn nhân truyền thống, đồng thời không khuyến khích ly hôn. Khoảng thời gian “hạ nhiệt” là một phần của bộ luật dân sự sâu rộng có hiệu lực vào ngày 1.1 năm nay.
Theo tờ The Guardian, quy định “hạ nhiệt” yêu cầu các cặp đôi đang muốn ly hôn phải đợi 30 ngày trước khi thủ tục ly hôn của họ được chính thức hóa. Nếu các cặp đôi không xuất hiện trong hai cuộc gặp mặt với văn phòng dân sự địa phương từ 30 đến 60 ngày sau khi nộp đơn, đơn yêu cầu của họ sẽ tự động bị hủy.
Khoảng thời gian hòa giải này không được áp dụng cho những vụ ly hôn liên quan đến bạo lực gia đình. Tuy nhiên, sau khi điều luật này được công bố, dư luận Trung Quốc đã tỏ ra vô cùng tức giận, đặc biệt là ở nữ giới.

Dư luận phẫn nộ

Theo luật mới, sau khi một cặp vợ chồng nộp đơn ly hôn, một trong hai người có quyền rút đơn trong thời gian cân nhắc mà không cần sự đồng ý của người còn lại.
Điều này khiến một số người đặt vấn đề liệu quyền tự do ly hôn của họ có bị cản trở, và cũng gây lo ngại về những trường hợp bạo lực gia đình. Nhiều người trẻ cho rằng việc ly hôn khó khăn nên có thể họ sẽ tránh kết hôn.

Một đám cưới tập thể ở tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc

CNS

Số liệu mới được đưa ra cũng vấp phải nhiều chỉ trích từ cộng đồng mạng. Họ đặt nghi vấn về việc liệu tỷ lệ ly hôn giảm xuống là do các cặp vợ chồng thực sự suy nghĩ lại hay do thủ tục ly hôn khó khăn đã khiến họ từ bỏ. Có nhiều người cho biết họ không thể đặt lịch làm thủ tục ly hôn.
Một ý kiến trên mạng xã hội Weibo cho rằng nếu chính phủ bằng mọi cách ngăn cản việc ly hôn thì tỷ lệ dĩ nhiên phải giảm. Một ý kiến khác cho rằng hôn nhân không nhất thiết là thước đo hạnh phúc nhưng việc ly hôn phải là vì hạnh phúc, qua đó, con số nói trên chỉ cho thấy có 70% người mất đi cơ hội theo đuổi hạnh phúc của mình.
Các nhà quan sát cho biết cần có thêm dữ liệu để đưa ra kết luận sâu hơn về vấn đề này, vì tỷ lệ có sự khác biệt tại các địa điểm khác nhau và sự phục hồi kinh tế của Trung Quốc đã giúp cải thiện sinh kế cũng như các mối quan hệ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.