Đặt cược vào Trung Quốc, Apple nhận trái đắng

Xuân Thu Thủy
Xuân Thu Thủy
29/03/2020 08:00 GMT+7

Apple gần như không thể thôi lệ thuộc vào đất nước tỉ dân bất chấp những rủi ro xảy đến gần đây.

Trong phiên giao dịch sáng 23.3 (giờ Mỹ), giá trị vốn hóa của Apple giảm xuống dưới mức 1.000 tỉ USD lần đầu tiên kể từ tháng 10.2019. Nhiều ngày trước đó, giá trị vốn hóa của “nhà Táo” cũng nằm ở mức nguy hiểm.

Sụt giảm mạnh

Thị phần của Apple trên thị trường smartphone tại Trung Quốc đã giảm xuống 7,5% từ mức cao nhất 12,5% vào năm 2015, theo báo cáo của Công ty nghiên cứu thị trường Canalys.
Vừa qua, trong bối cảnh các cửa hàng của Apple phải ngưng hoạt động một thời gian, thì kênh online chưa thật sự là thế mạnh của Apple tại Trung Quốc, phần vì gặp phải nhiều đối thủ nội địa, và phần vì người dân không dám mua một món hàng giá trị lớn như vậy trên các trang bán hàng trực tuyến.
Lượng iPhone được bán ra tại thị trường Trung Quốc trong tháng 2.2020 chưa tới 500.000 chiếc, giảm 60% so với cùng kỳ năm ngoái, chưa bằng 1/4 doanh số trước Tết Nguyên đán.
Theo báo cáo của Apple, 2 lý do chính dẫn đến vấn đề hiện tại là sự sụt giảm về nhu cầu đối với các sản phẩm của hãng tại Trung Quốc và hạn chế về nguồn cung iPhone do gián đoạn dây chuyền sản xuất. Mặc dù dịch bệnh đã được kiểm soát, các nhà máy tại Trung Quốc chưa thể khôi phục sản xuất vì một số lượng lớn lao động nhập cư vẫn chưa quay trở lại làm việc.
Đặt cược vào Trung Quốc, Apple nhận trái đắng1

CEO Apple Tim Cook trong một lần ghé thăm nhà máy của Foxconn, nơi sản xuất iPhone ở Trung Quốc

Phụ thuộc vào Trung Quốc

Theo Wall Street Journal, nhiều ý kiến đề nghị Apple di dời hoạt động lắp ráp ở Trung Quốc sang một số nước lân cận như Ấn Độ, Việt Nam hay Malaysia từ năm 2015. Tuy nhiên, Ban lãnh đạo Apple đã không làm vậy mà lý do có thể xuất phát từ nhiều nguyên nhân.
Apple có gần 3 triệu lao động cả trực tiếp lẫn gián tiếp tại Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ Foxconn, đối tác sản xuất lớn nhất của Apple, thuê hàng trăm ngàn nhân viên thời vụ tham gia vào công đoạn chèn ốc vít nhỏ và bảng mạch trong quá trình lắp ráp iPhone. Bên cạnh đó là hàng chục ngàn kỹ sư sản xuất có kinh nghiệm giám sát quy trình.
Chỉ Trung Quốc mới cung cấp được đủ nguồn lao động có trình độ và cơ sở hạ tầng cần thiết để sản xuất hàng trăm ngàn thiết bị mỗi ngày, số lượng điện thoại Apple phải sản xuất trước thời điểm tung ra dòng iPhone mới. Rất khó có nhà sản xuất nào khác ngoài Foxconn có thể đạt được sản lượng này.
Bắc Kinh cũng có nhiều động thái cho thấy sự ủng hộ của họ đối với việc phát triển kinh doanh của Apple. Năm 2010, Trung Quốc dành ra khu trồng trọt khổng lồ tại thành phố Trịnh Châu (tỉnh Hà Nam) để xây dựng nhà máy của Foxconn. Chính quyền địa phương cũng đã chi 1,5 tỉ USD để hỗ trợ xây dựng nhà máy, khu nhà ở cho 400.000 công nhân và 10 tỉ USD để làm một sân bay mới.
Gần đây, kênh Fox Business Network ngày 19.3 dẫn lời Tim Cook, CEO Apple, phát biểu cho thấy niềm tin của “nhà Táo” đặt vào đất nước này. “Những sự cố không thể lường trước là một phần của kinh doanh. Chúng tôi đã từng vượt qua nhiều thách thức khác như động đất hay sóng thần. Câu hỏi bây giờ là chúng ta cần làm gì để khôi phục mọi thứ”, ông chia sẻ.
Đến gần đây, mặc dù tất cả các Apple Store trên khắp thế giới đều đóng cửa khi dịch bệnh bùng phát, thì cửa hàng tại thị trường lớn thứ hai sau Mỹ vẫn sáng đèn.
Theo Bloomberg, Đại diện thương mại Mỹ (USTR) ngày 20.3 đã chấp thuận đề nghị miễn thuế Apple Watch như một hy vọng nhỏ nhoi đối với tình hình kinh doanh của hãng. Đây là kết quả từ nỗ lực của CEO Tim Cook giúp công ty thoát khỏi các khoản thuế nặng nề do chính quyền Mỹ áp dụng vào tháng 9.2019. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung là áp lực mà chính quyền Tổng thống Donald Trump tạo ra để Apple rút dần nhà máy sản xuất ở Trung Quốc và tập trung hơn vào lao động Mỹ.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.