'Đại gia công nghệ' Huawei giữa sức ép bủa vây

10/03/2020 07:00 GMT+7

Sức ép từ phía Mỹ khiến tập đoàn công nghệ Huawei lao đao, không chỉ gặp hàng loạt thách thức mà doanh số còn giảm 70% trong vòng một năm qua.

Mới đây, một bài phân tích trên tạp chí Forbes ngày 22.3 dẫn số liệu từ Strategy Analytics cho biết, 5 tháng qua Huawei đã sụt giảm doanh số điện thoại, từ 22,2 triệu trong tháng 10.2019 xuống còn 5,5 triệu trong tháng 2.2020. Trong lúc tình hình dịch bệnh ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng và nhu cầu khách hàng, kết quả tháng 3 có thể cũng không mấy khả quan.
Tạm bỏ qua những mối lo khác xa hơn như Apple, Samsung, các đối thủ cạnh tranh trong nước là Xiaomi và Oppo mới là điều Huawei cần quan tâm lúc này. Lần đầu tiên Xiaomi giành vị trí hãng có doanh thu điện thoại thông minh cao thứ ba toàn cầu với 6 triệu chiếc bán ra, đưa Huawei xuống vị trí thứ tư. Doanh số của Huawei giảm 70% trong vòng một năm qua, con số đó với Xiaomi chỉ là 30%.
Giám đốc điều hành của Xiaomi Lei Jun đã đưa ra một thách thức rất công khai với Huawei trên Weibo, rằng họ sẽ chiếm lĩnh 80% thị phần phân khúc cao cấp ở thị trường nội địa, vốn được xem là mảnh đất riêng của Huawei.
Mặc dù Huawei nỗ lực thay thế các ứng dụng dịch vụ của Google, song chưa có gì đảm bảo chiếc flagship P40 sắp ra mắt có thể mang lại tín hiệu tích cực ở các thị trường ngoài Trung Quốc.
Vừa qua, ngày 12.3, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã ký đạo luật “Mạng viễn thông an toàn và tin cậy” nhằm cấm các nhà mạng viễn thông sử dụng ngân sách hỗ trợ để mua thiết bị mạng từ Huawei và ZTE (Trung Quốc).
Đạo luật cũng phê duyệt khoản ngân sách 1 tỉ USD yêu cầu Ủy ban Truyền thông Liên bang (FCC) xây dựng chương trình hỗ trợ chi phí cho các nhà mạng nhỏ loại bỏ những thiết bị bị cấm và thay thế bằng nhà cung cấp khác.
Tecore, công ty chuyên cung cấp các thiết bị đầu cuối giá rẻ có trụ sở ở bang Maryland, lên tiếng trên tờ Business Wire ủng hộ đạo luật và cho biết sẵn sàng trở thành nhà cung cấp thay thế đáng tin cậy.
Theo Fomalhaut Techno Solutions, Huawei tuyên bố thiết bị mạng 5G cũng như điện thoại Mate 30 Pro vừa ra mắt không còn sử dụng công nghệ của Mỹ kể từ năm 2020. Một số nhà phân tích tin rằng Huawei đã thay thế linh kiện từ Qualcomm hay Xilinx (Mỹ) bằng thiết kế mạch riêng từ công ty chuyên chế tạo tấm nền silicon TSMC của Đài Loan.
Ngay lập tức Mỹ gây áp lực lên chính quyền Đài Loan, cổ đông lớn nhất của TSMC, để ngăn công ty không được cung cấp mạch dành riêng cho ứng dụng (ASICs) mà Huawei dùng để thiết kế trạm gốc 5G.
Tờ South China Morning Post nhận định chiến lược gây áp lực ngoại giao của Mỹ đối với các đồng minh để ngăn chặn Huawei phát triển 5G đã cho thấy kết quả lẫn lộn. Trong khi Úc và Nhật Bản đã đồng ý, nước láng giềng Canada vẫn chưa đưa ra quyết định. Nhiều quốc gia khác vẫn đang dựa vào Huawei để phát triển 5G bao gồm Brazil, Philippines, Thái Lan và đặc biệt là châu Âu. Đây có thể là giải pháp cho Huawei trong giai đoạn tiếp theo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.