NASA đã cho Kepler về hưu vào tháng 11.2018, nhưng dữ liệu mà kính viễn vọng không gian này thu được vẫn tiếp tục được khám phá.
Theo Space.com hôm 15.4, các chuyên gia NASA vừa phát hiện ứng viên Trái đất mới, hành tinh Kepler-1649c đang xoay quanh một sao lùn đỏ cách địa cầu khoảng 300 năm ánh sáng.
Kepler-1649c mất 19,5 ngày để hoàn tất quỹ đạo quanh sao trung tâm, và nằm ở khoảng cách nhiều khả năng cho phép nước tồn tại dưới dạng lỏng trên bề mặt hành tinh.
|
“Trong số tất cả những hành tinh ngoài Trái đất được Kepler phát hiện, Kepler-1649c giống Trái đất nhất về kích thước và nhiệt độ ước tính trên bề mặt”, theo thông cáo báo chí của NASA.
Kích thước Kepler-1649c gấp khoảng 1,06 lần so với Trái đất, và mức ánh sáng hấp thu từ sao trung tâm vào khoảng 75% so với số lượng ánh sáng mặt trời chiếu đến Trái đất. Điều này có nghĩa là nhiệt độ trên bề mặt hành tinh có lẽ tương tự hành tinh chúng ta.
“Thế giới thú vị trên cho phép chúng ta hy vọng vẫn có một Trái đất thứ hai đang chờ nhân loại phát hiện”, theo Thomas Zurbuchen thuộc Ban giám đốc sứ mệnh khoa học của NASA.
Bình luận (0)