Nhà máy sản xuất môđun năng lượng mặt trời nói trên sẽ do công ty điện mặt trời Trung Quốc Risen Energy xây sau khi công ty này đồng ý đầu tư 42,2 tỉ ringgit (10,1 tỉ USD) trong lĩnh vực quang điện ở Malaysia, theo tờ Nikkei Asia hôm nay 5.7 dẫn lại thông báo ngày 24.6 từ Bộ Công nghiệp và Thương mại quốc tế Malaysia. Quyết định đầu tư này của Risen Energy có thể phản ánh mong muốn của các nhà hoạch định chính sách của Bắc Kinh.
Chiến lược đầu tư của Trung Quốc, liên quan đến các dự án lớn và hỗ trợ kinh tế, được xem là nhằm cạnh tranh với Mỹ trong cuộc đua gia tăng ảnh hưởng ở khu vực. Bắc Kinh cũng muốn lôi kéo những quốc gia lo ngại về tình trạng tăng cường hiện diện quân sự của Trung Quốc ở Biển Đông, theo Nikkei Asia.
Vào ngày 7.6, Trung Quốc tổ chức cuộc gặp trực tiếp với các ngoại trưởng ASEAN ở thành phố Trùng Khánh. Khi đó, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị nói với Bộ trưởng Indonesia phụ trách đầu tư và sự vụ hàng hải Binsar Pandjaitan rằng Bắc Kinh sẽ tăng hỗ trợ Jakarta xây dựng cơ sở hạ tầng và nhập khẩu hàng hóa từ quốc gia Đông Nam Á này.
Đến ngày 11.6, Tân Hoa xã đưa tin chính phủ Lào đã phê duyệt việc chọn tuyến cho dự án xây đường cao tốc Vientiane-Pakse, do một công ty xây dựng Trung Quốc đề xuất. Đường cao tốc Vientiane-Pakse, với chiều dài hơn 578 km, dự kiến được xây với vốn đầu tư 5,1 tỉ USD.
Đến ngày 22.6, Trung Quốc còn đồng ý với Campuchia về việc tăng tốc hợp tác để cải thiện các mạng lưới quá cảnh. Theo đó, Bắc Kinh sẽ gửi chuyên gia về cơ sở hạ tầng đến Campuchia.
Bắc Kinh được cho là quyết tâm ngăn chặn nỗ lực của Washington thu hút các nước ASEAN. Bất kỳ khi nào Washington cố gắng tiến gần với các nước ASEAN, Bắc Kinh lập tức có động thái đối phó, theo Nikkei Asia.
Hôm 25.6, Mỹ và Indonesia đã khởi công xây dựng một trung tâm huấn luyện hàng hải với kinh phí lên tới 3,5 triệu USD, trên đảo Batam của Indonesia, tại lối vào phía nam đến eo biển Malacca. Tuy nhiên, những nỗ lực của Mỹ ở khu vực dường như bị lu mờ trước sự hiện diện ngày càng tăng của Bắc Kinh, theo Nikkei Asia.
Hồi cuối tháng 5, không quân Malaysia cho chiến đấu cơ xuất kích sau khi 16 máy bay quân sự Trung Quốc bay trong phạm vi 60 hải lý ngoài khơi bang Sarawak. Ngoài ra, Tàu Trung Quốc vẫn hiện diện xung quanh quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trước tình trạng như trên, Nikkei Asia cho rằng những hoạt động đầu tư ồ ạt của Trung Quốc ở khu vực phản ánh sự tính toán kỹ lưỡng của nước này nhằm lôi kéo các nước khu vực về phía mình trong khi cố làm cho tình trạng hiện diện quân sự của họ ở Biển Đông trở thành việc đã rồi.
Bình luận (0)