Đô thị châu Á nghẹt thở vì bụi siêu mịn

17/01/2019 11:00 GMT+7

Trong những ngày đầu năm 2019, hàng loạt đô thị lớn ở châu Á lâm vào tình trạng ô nhiễm không khí cực kỳ nghiêm trọng, ảnh hưởng nặng nề sức khỏe người dân.

Ngày 16.1, hàng triệu người ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ được hít thở bầu không khí sạch nhất kể từ đầu năm khi chỉ số chất lượng không khí lên được mức… “tồi tệ”, tờ Mirror Now dẫn đánh giá của Cơ quan Khí tượng quốc gia cho hay. Trong suốt nhiều ngày trước đó, chỉ số này luôn ở mức “rất tồi tệ” hoặc thậm chí “cực kỳ nghiêm trọng” với làn khói mù ô nhiễm dày đặc đến mức gây cản trở tầm nhìn và khiến hàng chục chuyến xe lửa ra vào New Delhi bị hoãn. Chỉ số hạt bụi siêu mịn (có đường kính dưới 2,5 micromet) trong không khí từ mức 440 microgram/m3 không khí hồi đầu tháng, gấp 12 lần ngưỡng an toàn cho con người là 35, hạ xuống còn 92. Tình hình này đủ làm các chuyên gia “lạc quan” đánh giá chất lượng không khí sẽ tạm cải thiện trong vài ngày tới nhưng vẫn chỉ trong khung “tồi tệ”.
[VIDEO] Bangkok ô nhiễm nặng, Thái Lan làm mưa nhân tạo để giải quyết
Bụi siêu mịn cũng đang “ám ảnh” cư dân thủ đô Seoul của Hàn Quốc trong suốt 1 tuần qua với chỉ số đo được vào ngày 14.1 lên đến mức kỷ lục là 189, theo Yonhap. Chính quyền phải đưa ra nhiều biện pháp khẩn cấp như hạ công suất các nhà máy nhiệt điện trong khu vực xuống còn 20% và ra quân xử phạt tài xế để xe nổ máy trong lúc dừng đỗ. Ngoài ra, các loại xe sử dụng động cơ cũ, đăng ký trước năm 2005 bị cấm hoạt động trong thành phố cho đến khi có thông báo mới. Tờ The Korea Times ngày 16.1 dẫn kết quả khảo sát cho thấy 97% số người được hỏi cho biết họ cảm thấy vô cùng mệt mỏi và căng thẳng vì tình hình không khí hiện nay.
Trong khi đó, bất chấp biện pháp dùng vòi rồng phun nước và triển khai máy bay tạo mưa, chính quyền thủ đô Bangkok của Thái Lan vẫn chưa thể cải thiện tình trạng khói mù độc hại chứa bụi siêu mịn bao phủ thành phố từ cuối tuần trước. Tờ Bangkok Post dẫn lời giới chức Cơ quan Kiểm soát ô nhiễm cho hay chất lượng không khí tại Bangkok và một số tỉnh xung quanh như Nonthaburi, Pathum Thani, Samut Prakan và Samut Sakhon vẫn sẽ tiếp tục bị ảnh hưởng.
Theo Tổ chức Y tế thế giới (WHO), bụi siêu mịn đặc biệt nguy hiểm vì có kích thước quá nhỏ nên dễ dàng chui qua khẩu trang để đi qua phổi rồi vào máu. Tổ chức này xếp bụi siêu mịn vào danh sách một trong những tác nhân gây ung thư hàng đầu. Tờ The Straits Times dẫn lời các chuyên gia giải thích tình hình đặc biệt nghiêm trọng hiện nay xuất phát từ nhiều nguyên nhân gồm các xí nghiệp và nhà máy điện tăng cường hoạt động để phục vụ nhu cầu tăng cao cuối năm âm lịch, mật độ giao thông dày đặc hơn khi người dân về quê hoặc đi mua sắm, thời tiết mát và ít mưa nên không thể tẩy rửa không khí. Bên cạnh đó, một số chuyên gia tại Hàn Quốc còn nêu khả năng gió mang khói mù và bụi từ các khu vực công nghiệp ở Trung Quốc sang nước này, theo Yonhap.
[VIDEO] Tới mùa đốt đồng, New Delhi lại nhức đầu
Bản thân Trung Quốc đang là quốc gia hứng chịu ô nhiễm không khí nặng nề nhất thế giới với khói mù độc hại đã bao phủ các thành phố lớn trong nhiều năm nay. Đáng báo động hơn, chuyên san New Scientist dẫn kết quả nghiên cứu mới của các chuyên gia Đại học Bắc Kinh cho hay họ đã phát hiện nhiều loại vi khuẩn sinh sôi trong không khí, xuất phát từ quá trình chăn nuôi, hoạt động của các bệnh viện, nhà máy xử lý chất thải và những nguồn khác. Trưởng nhóm nghiên cứu, Giáo sư Thịnh Yếu Mậu cảnh báo bản thân vi khuẩn đã rất nguy hiểm cho sức khỏe con người nhưng nghiêm trọng hơn nữa là việc chúng hấp thu các hóa chất ô nhiễm như sulphate và nitrate rồi thải ra dạng chất gọi là hợp chất sinh học dễ bay hơi (VOC). Theo Cục Bảo vệ môi trường Mỹ, VOC có thể gây kích thích mắt, mũi, họng, nhức đầu, nôn mửa, làm tổn hại gan và hệ thần kinh trung ương hoặc thậm chí có thể gây ung thư.
 
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.