Đối phó Trung Quốc, Mỹ tăng cường sức mạnh quân sự ở Thái Bình Dương

19/11/2020 09:00 GMT+7

Thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa đạn đạo, triển khai chiến đấu cơ thế hệ 5 tàng hình F-22 là những động thái mới của Mỹ, được cho là nhằm đối phó Trung Quốc ở châu Á - Thái Bình Dương.

Hôm qua 18.11, tờ The Straits Times dẫn lời Bộ trưởng Hải quân Mỹ Kenneth Braithwaite cho rằng hải quân nước này nên thành lập hạm đội mới ở Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (Indo-Pacific). Đề xuất này được cho là nhằm đối phó tình hình hiện nay trong khu vực do các hành vi của Trung Quốc.

Sự đáp trả của Mỹ

Liên quan tình hình Indo-Pacific, cùng ngày 18.11, Bộ Quốc phòng Mỹ đăng thông cáo cho biết vừa thử nghiệm thành công đánh chặn tên lửa đạn đạo liên lục địa vào ngày 16.11 tại Hawaii. Cụ thể, tàu khu trục USS John Finn (DDG-113) được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa Aegis đã phóng tên lửa SM-3IIA để đánh chặn tên lửa đạn đạo mục tiêu. Việc thử nghiệm được tích hợp nhiều công nghệ tác chiến mới để tăng tính chính xác.

Oanh tạc cơ Mỹ bay vào ADIZ Trung Quốc

Hai oanh tạc cơ B-1B tham gia một nhiệm vụ tại Thái Bình Dương ngày 13.11

Ảnh: Không quân Mỹ

Tờ South China Morning Post hôm qua 18.11 đưa tin 2 oanh tạc cơ B-1B của Mỹ đã bay vào Vùng nhận diện phòng không (ADIZ) do Trung Quốc lập ra tại biển Hoa Đông vào ngày 17.11.
Trước đó, thông qua tài khoản trên mạng xã hội Twitter, mạng theo dõi hoạt động của máy bay quân sự Aircraft Spots thông báo 2 chiếc B-1B cất cánh từ căn cứ không quân Andersen (ở đảo Guam) vào sáng 17.11 đến biển Hoa Đông và được hai máy bay KC-135R tiếp nhiên liệu trên không trong hành trình này. Truyền thông Trung Quốc dẫn lời giới chuyên gia quân sự nhận định chuyến bay của oanh tạc cơ Mỹ là lời cảnh báo Bắc Kinh không nên có hành động gây hấn trong thời gian hậu bầu cử tổng thống Mỹ.
Hoạt động của máy bay Mỹ diễn ra trùng thời điểm quân đội Trung Quốc đang tiến hành nhiều cuộc tập trận tại khu vực. Ngày 16.11, Cục Hải sự tỉnh Quảng Đông thông báo quân đội Trung Quốc sẽ tập trận trong ngày 17.11 ở vịnh Hồng Hải phía bắc Biển Đông và tập trận ở vịnh Bắc bộ từ ngày 17 - 30.11.
Vi Trân
Bên cạnh đó, ngày 17.11, báo PNC Guam đưa tin không quân Mỹ vừa điều động 7 chiến đấu cơ tàng hình thế hệ 5 F-22 đến đảo Guam để hoạt động tại vùng tây Thái Bình Dương.
Trả lời Thanh Niên ngày 18.11, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho biết để đánh chặn tên lửa đạn đạo, Mỹ đang sử dụng tên lửa SM-3IIA do nước này và Nhật Bản hợp tác phát triển. Đây là phiên bản mới nhất của dòng SM chuyên dụng đánh chặn tên lửa đạn đạo, mà mục đích ban đầu là nhằm đối phó chương trình tên lửa của CHDCND Triều Tiên. Việc thử nghiệm thành công SM-3IIA là dấu mốc quan trọng trong việc phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo.
“Nhưng Trung Quốc, Nga và Triều Tiên gần đây đã phát triển nền tảng mới cho tên lửa đạn đạo. Các dòng tên lửa Đông Phong 17 (DF-17), Đông Phong 21 (DF-21), Đông Phong 26 (DF-26) của Trung Quốc đang được chế tạo trên nền tảng mới, mà SM-3IIA không còn hữu hiệu. Do đó, Mỹ cần cải tiến hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo”, TS Nagao đánh giá khi nhận định về việc Mỹ đang tích hợp các công nghệ mới cho hệ thống đánh chặn tên lửa.
Cũng trả lời Thanh Niên, ông Carl O.Schuster (cựu Giám đốc bộ phận điều hành của Trung tâm tình báo hỗn hợp - Bộ Tư lệnh Thái Bình Dương của hải quân Mỹ và đang giảng dạy ở Đại học Hawaii về quan hệ quốc tế, lịch sử) đánh giá: “Vụ thử tên lửa đánh chặn tên lửa đạn đạo có hai mục đích. Thứ nhất là thực hành và thử nghiệm hệ thống đánh chặn tên lửa đạn đạo. Thứ hai là chứng minh cho dư luận Mỹ lẫn bên ngoài thấy rằng quân đội Mỹ có đủ khả năng đánh chặn tên lửa đạn đạo”.
Thực tế, Trung Quốc gần đây đã điều động oanh tạc cơ H-6, có thể mang theo tên lửa DF-26, tiến hành tập trận ở vùng biển tây Thái Bình Dương. Vì thế, có thể xem vụ thử nghiệm đánh chặn tên lửa mà Mỹ vừa thực hiện mang thông điệp mạnh mẽ đáp trả Trung Quốc.

Tàu khu trục USS John Finn phóng tên lửa SM-3IIA

Ảnh: MDA

Thông điệp răn đe mạnh mẽ

Về việc triển khai chiến đấu cơ F-22 đến đảo Guam, TS Nagao cho rằng diễn biến này mang ý nghĩa quan trọng để đối phó với Trung Quốc.
“Từ thời Tổng thống Barack Obama, Mỹ đã tái triển khai lực lượng quân sự nước này từ châu Âu sang khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương. Dưới giai đoạn ông Obama, chính sách này gọi là “tái cân bằng”. Đến thời của Tổng thống Donald Trump, Mỹ rút bớt quân đội khỏi châu Âu, Trung Đông và Afghanistan. Đặc biệt, trong bối cảnh đại dịch Covid-19, Trung Quốc đã lợi dụng tình hình để khiêu khích các nước láng giềng, nên Mỹ đã đẩy nhanh việc triển khai lực lượng quân sự cho chiến lược trên.
F-22 là dòng chiến đấu cơ tàng hình có thể xuyên thủng hàng phòng thủ đối phương và tấn công, nên việc triển khai F-22 đến đảo Guam sẽ tạo áp lực mạnh mẽ nhằm vào đối phương, bởi đối phương rất khó ngờ F-22 bay đến lúc nào”, TS Nagao đánh giá.
Trong khi đó, cựu đại tá Schuster phân tích: “Việc triển khai chiến đấu cơ F-22 Raptor là bước đi tiếp theo trong chuỗi chiến lược của Mỹ ở châu Á - Thái Bình Dương, dựa trên định hướng khả năng tác chiến khó bị đoán định và đáng tin cậy.
F-22 là máy bay chiến đấu thế hệ 5 tàng hình tiên tiến nhất thế giới, được tối ưu hóa khả năng không chiến. Dù giống như nhiều máy bay chiến đấu tàng hình là có khả năng tấn công, nhưng với năng lực vượt trội về không chiến, F-22 được triển khai mang ý nghĩa tập trung vào năng lực phòng thủ”.

“Dù việc triển khai máy bay F-22 và thử nghiệm đánh chặn tên lửa được thực hiện như các hoạt động riêng rẽ, nhưng đã kết hợp tạo nên một thông điệp răn đe mạnh mẽ rằng hải quân Mỹ đủ năng lực đối đầu với tên lửa đạn đạo, còn không quân nước này đủ năng lực triển khai máy bay chiến đấu tàng hình không chiến tối tân đến châu Á - Thái Bình Dương. Hai lực lượng này cùng thực hiện sứ mệnh bảo vệ vùng trời và không gian của khu vực”, ông Schuster nhận định với Thanh Niên.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.