Theo PreventionWeb, dự án mang tên “Gốc rễ bền chặt, phụ nữ quật cường” nhằm trồng rừng ngập mặn ở phá Tam Giang (tỉnh Thừa Thiên - Huế) và hỗ trợ phụ nữ địa phương đã chiến thắng Giải thưởng RISK năm 2021 trị giá hơn 118.000 USD. Giải thưởng do Quỹ Munich Re phối hợp với Văn phòng Giảm nhẹ Rủi ro Thiên tai của Liên Hiệp Quốc (UNDRR) lập ra nhằm giúp cải thiện việc giảm thiểu rủi ro và quản lý thiên tai.
Dự án do Trung tâm Nghiên cứu Phát triển Xã hội (CSRD) có trụ sở tại thành phố Huế kết hợp với Đại học Potsdam, Đức thực hiện. Theo Giám đốc CSRD Phạm Thị Diệu My, bằng cách lập ra vườn ươm rừng ngập mặn và giao cho cộng đồng điều hành, dự án trao quyền cho phụ nữ trong việc quản lý rủi ro thiên tai ở khu vực thường xuyên bị lũ lụt nghiêm trọng. Dự án cũng hỗ trợ sinh kế cho các nhóm nghèo và dễ bị tổn thương do phụ thuộc trực tiếp vào tài nguyên thiên nhiên.
Bên cạnh đó, thông qua các vở kịch sống động do thành viên hội phụ nữ địa phương biểu diễn, dự án cũng giúp nâng cao năng lực chống chịu thiên tai và nhận thức về lợi ích của rừng ngập mặn cho cộng đồng.
“Việt Nam đang chịu tác động bất thường từ biển đổi khí hậu và phục hồi rừng ngập mặn là một cách rất thiết thực để giảm nguy cơ lũ lụt, xói mòn bờ biển, đồng thời hỗ trợ sinh kế của địa phương. Rừng ngập mặn có thể làm giảm tới 50% sức mạnh của sóng và thủy triều”, Tiến sĩ Philip Bubeck, đại diện cho Đại học Potsdam trong nhóm dự án, cho biết.
Đặc phái viên của Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc về Giảm thiểu rủi ro thiên tai, bà Mami Mizutori, đã chúc mừng dự án chiến thắng. “Đây là một ví dụ tuyệt vời về cách hợp tác quốc tế có thể hỗ trợ các nước đang phát triển thực hiện Khung hành động Sendai về Giảm thiểu rủi ro thiên tai. Dự án trao quyền cho những phụ nữ đang ở tuyến đầu của việc chống biến đổi khí hậu. Dự án cũng chứng minh rằng các giải pháp dựa vào thiên nhiên có vai trò quan trọng trong việc xây dựng khả năng chống chịu của cộng đồng”, bà Mizutori cho biết.
Bình luận (0)