Đường dây vắc xin chợ đen chấn động Trung Quốc

22/03/2016 09:18 GMT+7

Trung Quốc vừa triệt phá đường dây cực lớn bán trái phép vắc xin kém chất lượng, vốn đe dọa tính mạng của hàng chục ngàn người lớn và trẻ em tại nước này.

Trung Quốc vừa triệt phá đường dây cực lớn bán trái phép vắc xin kém chất lượng, vốn đe dọa tính mạng của hàng chục ngàn người lớn và trẻ em tại nước này.

Một liều vắc xin không đạt chất lượng bị tịch thu - Ảnh: ThePaper.cnMột liều vắc xin không đạt chất lượng bị tịch thu - Ảnh: ThePaper.cn
Truyền thông Trung Quốc đưa tin nhà chức trách hồi cuối tuần qua đã công khai danh tính 300 nghi can dính líu đường dây mua bán vắc xin kém chất lượng, với tổng trị giá lên tới 570 triệu nhân dân tệ (88 triệu USD), đồng thời kêu gọi người dân cung cấp thông tin liên quan. Theo Tân Hoa xã, các nghi phạm đã bán vắc xin đến hàng loạt bệnh viện và trung tâm kiểm soát dịch bệnh ở ít nhất 24 tỉnh thành, bao gồm cả thủ đô Bắc Kinh, trong ít nhất 6 năm qua.
Vị bác sĩ hám tiền
Dư luận phẫn nộ
Vụ việc đã khiến cộng đồng mạng ở Trung Quốc hết sức bất bình, thắc mắc tại sao một vấn đề rúng động như vậy chỉ được công bố rộng rãi vào ngày 18.3, trong khi lực lượng cảnh sát đã có bằng chứng chắc chắn về hàng loạt vắc xin không an toàn từ hồi năm ngoái. Ngoài ra, dư luận nước này cũng lo ngại về lỗ hổng pháp luật khi bà Bàng phạm cùng một tội tới hai lần.
Theo Reuters, một số bác sĩ và bệnh nhân cũng nhân cơ hội này bày tỏ sự bất mãn với tình trạng thiếu thốn vắc xin do những thủ tục nhiêu khê trong việc cấp phép. Điều này buộc họ phải tiếp cận với vắc xin thông qua thị trường chợ đen hoặc các kênh ngoài luồng.
Tân Hoa xã cho hay đường dây buôn bán bất hợp pháp vắc xin trên được phát hiện lần đầu vào tháng 4.2015, thời điểm Công an tỉnh Sơn Đông, miền đông Trung Quốc, bắt giữ một nghi phạm mang họ Bàng, từng là bác sĩ tại một bệnh viện công ở địa phương và đang điều hành một trung tâm y tế chuyên bán vắc xin. Cô con gái của bà, đã tốt nghiệp trường y, cũng bị bắt. Cả hai đều bị cáo buộc buôn bán trái phép vắc xin vì không có giấy phép kinh doanh.
Giới chức Bộ Công an Trung Quốc cho biết hai mẹ con bà Bàng kinh doanh lậu vắc xin từ đầu năm 2010. Cả hai mua 25 loại vắc xin khác nhau từ hơn 100 trình dược viên cả có giấy phép hành nghề lẫn không thuộc 10 tỉnh thành ở Trung Quốc, rồi đem bán lại cho các đại lý bất hợp pháp cũng như các cơ sở y tế địa phương với giá cao ngất ngưởng.
Điều lạ là hồi năm 2009, bà mẹ 47 tuổi từng bị kết án 3 năm tù treo vì tội bán trái phép số vắc xin trị giá gần 5 triệu nhân dân tệ. Tuy nhiên, chưa rõ vì sao bà này vẫn dễ dàng qua mặt giới chức pháp luật để tiếp tục kinh doanh lậu vắc xin cho đến khi bị bắt hồi năm ngoái, theo trang tin địa phương thepaper.cn.
Nguy cơ tàn tật, tử vong
Cho đến nay, chính quyền sở tại chưa thể xác định chính xác số lượng vắc xin mà bà Bàng tuồn ra thị trường chợ đen. Chỉ biết rằng đó là những lô vắc xin bệnh thủy đậu, bệnh dại, viêm màng não và viêm gan A, đều không nằm trong danh sách bắt buộc của chương trình tiêm chủng quốc gia Trung Quốc.
Tuy các loại vắc xin thuộc “lò” bà Bàng đều được sản xuất từ các hãng có giấy phép, song giới chức điều tra lo ngại về chất lượng vì chúng không được bảo quản đúng nhiệt độ cũng như vận chuyển đúng quy cách.
“Chúng tôi thấy khu lưu trữ rất lộn xộn, rõ ràng không đạt chuẩn chút nào. Hệ thống trữ lạnh cũng không phù hợp. Các vắc xin được bọc trong hộp giấy kèm vài cục đá. Ngoài ra, cơ sở của nghi can không có giấy phép kinh doanh dược phẩm hoặc giấy phép kinh doanh vắc xin”, một sĩ quan công an kể lại.
Thông thường việc trữ và vận chuyển vắc xin phải theo một quy trình rất nghiêm ngặt, bắt buộc được trữ lạnh ở nhiệt độ 2 - 8 độ C, nếu không vắc xin sẽ mất tác dụng và có thể để lại các tác dụng phụ như gây tàn tật hoặc thậm chí tử vong, theo bác sĩ Vương Nguyệt Đan, Phó khoa Miễn dịch thuộc Đại học Bắc Kinh. Tờ South China Morning Post dẫn lời ông Vương cho biết thêm những bệnh nhân mắc các bệnh truyền nhiễm nặng, như bệnh dại, có thể tử vong nếu chích phải vắc xin “dỏm”. “Đây là một hành động giết người”, ông Vương giận dữ nói.
Trong khi đó, Cơ quan Thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc (FDA) đã ra thông báo yêu cầu mở cuộc điều tra rốt ráo, đồng thời kêu gọi mọi nghi can dính líu đến vụ việc đầu thú. “Mọi cá nhân tổ chức liên quan phải thông báo các loại vắc xin, số lô và nơi lưu hành chúng cho FDA cũng như công an trước ngày 25.3”, theo nội dung thông báo.
Cơ quan này cũng kêu gọi giới chức địa phương hợp tác với công an để điều tra, rà soát toàn bộ đường dây, đánh giá tổng thiệt hại và tịch thu các lô vắc xin chưa đạt chuẩn. Giới chức điều tra cho biết họ đã thực hiện hơn 20 cuộc bố ráp trên toàn quốc để tịch thu các sản phẩm vắc xin không an toàn và bắt giữ được gần 20 nghi phạm, theo tờ Hoàn Cầu thời báo.
Bộ Công an Trung Quốc còn phát thông báo đến 18 tỉnh thành, trong đó có các tỉnh như Hồ Bắc, An Huy, Quảng Đông, Hồ Nam và Tứ Xuyên với hy vọng lần tìm ra những người bị hại để họ được tiêm lại vắc xin đúng chuẩn cũng như được bồi thường thích đáng.
Việt Nam không sử dụng vắc xin sản xuất tại Trung Quốc
Liên quan đến thông tin về việc tại Trung Quốc phát hiện vắc xin phòng các bệnh: thủy đậu, dại, viêm màng não, viêm gan A được buôn bán trên thị trường chợ đen chất lượng không được kiểm soát nghiêm ngặt, ngày 21.3, theo thông tin từ các phòng tiêm dịch vụ tại Hà Nội: số 70 Nguyễn Chí Thanh (Trung tâm y tế dự phòng Hà Nội) và 131 Lò Đúc (Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư)... tại những nơi này không có loại vắc xin sản xuất ở Trung Quốc.
Tiến sĩ Trần Như Dương, Phó viện trưởng Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư, cho biết tại Việt Nam chỉ có các loại vắc xin như phòng thủy đậu của Mỹ hoặc Bỉ, Nhật; phòng bệnh dại của Pháp; phòng viêm gan A của Pháp và Việt Nam; phòng viêm màng não mủ do não mô cầu của Pháp, Cuba.
Trong nước chưa từng sử dụng vắc xin sản xuất tại Trung Quốc.
Nam Sơn

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.