Cụ thể, các nhà lãnh đạo của nhóm G7 ngày 20.2 cam kết đảm bảo việc phân phối công bằng vắc xin Covid-19 và hợp tác để khôi phục lại nền kinh tế toàn cầu bị tác động bởi đại dịch.
“Chúng tôi sẽ làm việc cùng nhau và cùng với các nước khác nhằm biến năm 2021 thành bước ngoặt cho chủ nghĩa đa phương và định hình sự hồi phục giúp thúc đẩy sức khỏe và sự thịnh vượng của người dân và hành tinh của chúng ta”, các nhà lãnh đạo G7 nhấn mạnh trong tuyên bố chung sau hội nghị trực tuyến ngày 19.2, theo Kyodo News.
Phát biểu sau đó tại Nhà Trắng trong Hội nghị an ninh Munich ở Đức (được tổ chức trực tuyến), Tổng thống Mỹ Joe Biden cho hay ông đã đề cập với các nhà lãnh đạo G7 về nhu cầu phối hợp hành động đa phương để giải quyết đại dịch Covid-19, khủng hoảng kinh tế toàn cầu và nhiều vấn đề khác. Cũng trong Hội nghị Munich, ông Biden tìm cách định hình lại Mỹ là bên trong nhóm đa phương sau 4 năm với chính sách “nước Mỹ trên hết” của người tiền nhiệm Donald Trump.
“Tôi biết vài năm qua có sự căng thẳng, đã thử thách mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương của chúng ta, nhưng Mỹ quyết tâm trở lại tiếp xúc với châu Âu, tham vấn với các bạn để tìm lại vị thế của chúng tôi với vai trò lãnh đạo đáng tin cậy... Chúng tôi sẽ trở lại”, ông Biden nhấn mạnh, theo Reuters.
Sau đó, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định ông Biden đã đưa Mỹ trở lại vị trí lãnh đạo thế giới tự do trong một động thái giúp phương Tây đoàn kết. “Bầu không khí ảm đạm đã qua. Và chúng ta đang có sự cải thiện, những quốc gia chúng ta gọi là phương Tây đang xích lại gần nhau và kết hợp sức mạnh đáng gờm và chuyên môn của họ một lần nữa”, ông Johnson phát biểu trong Hội nghị Munich.
Anh đang giữ chức Chủ tịch luân phiên G7 (gồm các nền kinh tế phát triển là Anh, Canada, Đức, Mỹ, Nhật Bản, Pháp và Ý), định tổ chức hội nghị gặp trực tiếp của nhóm ở hạt Cornwall trong tháng 6 và đã mời Úc, Ấn Độ và Hàn Quốc tham dự, theo Kyodo News.
Trong khi đó, phát ngôn viên Nhà Trắng Jen Psaki hôm qua cho hay chính quyền Tổng thống Biden sẽ không mời Nga gia nhập G7. Hồi tháng 6.2020, Tổng thống Mỹ khi đó Donald Trump gọi G7 là “nhóm các nước rất lỗi thời” và cho hay ông muốn có Nga, Úc, Hàn Quốc và Ấn Độ tham gia, theo Reuters.
Bình luận (0)