Hỏa lực oanh tạc cơ Mỹ bao trùm Biển Đông

17/08/2020 10:34 GMT+7

Mỹ vừa điều động nhiều oanh tạc cơ chiến lược đến các căn cứ ở Ấn Độ Dương, Nhật Bản và đảo Guam, tạo nên thế trận hỏa lực bao trùm cả Biển Đông, bao gồm các căn cứ phi pháp của Trung Quốc ở vùng biển này.

Cuối tuần qua, Không quân Mỹ thông báo 3 oanh tạc cơ tàng hình B-2 Spirit từ căn cứ không quân Whiteman ở bang Missouri (Mỹ) đến căn cứ Diego Garcia ở Ấn Độ Dương.

Hỏa lực của “bóng ma”

Lược đồ vị trí các oanh tạc cơ Mỹ B-1 Lancer và B-2 Spirit trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có thể tiếp cận Biển Đông

Đồ họa: N.M.T

Mang biệt danh “bóng ma”, B-2 là dòng oanh tạc cơ chiến lược tầm xa tối tân với khả năng tàng hình, có tầm bay lên đến khoảng 11.000 km ngay cả khi mang đầy đủ vũ khí. Với tầm bay này, từ căn cứ Diego Garcia, B-2 có thể vươn đến hầu hết mọi địa điểm ở Biển Đông. Đây cũng là dòng oanh tạc cơ chiến lược có thể mang theo số vũ khí hỏa lực cực mạnh bao gồm nhiều loại bom khác nhau.

Trong đó, ngoài các loại bom quy ước và cả bom hạt nhân, “bóng ma” còn có thể khai hỏa tên lửa hành trình AGM-158 với phiên bản nâng cấp có tầm bắn hơn 900 km ở tốc độ cận âm. Chính vì thế, trả lời Thanh Niên, TS.Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) nhận xét việc điều động B-2 Spirit đến căn cứ Diego Garcia cho phép Mỹ tấn công mọi cơ sở của Trung Quốc.

Không những vậy, loại tên lửa AGM-158, mà oanh tạc cơ tàng hình B-2 mang theo, còn có phiên bản chống tàu chiến với tầm bắn - theo một số chuyên gia - có thể vượt trên 500 km. Nên ngay cả các chiến hạm Trung Quốc đang hoạt động ở Biển Đông cũng có thể trở thành mục tiêu của “bóng ma”.

Ngoài ra, hồi đầu năm nay, khi quan hệ Mỹ và Iran trở nên căng thẳng, Washington cũng đã điều động oanh tạc cơ chiến lược B-52 đến căn cứ Diego Garcia. Từ đó đến nay, chưa rõ số oanh tạc cơ B-52 còn ở căn cứ này hay không. Nếu B-52 vẫn đồn trú tại Diego Garcia thì đây cũng là một sức mạnh đáng gờm có thể đến Biển Đông hoạt động và bao phủ tầm tấn công lên các cơ sở mà Trung Quốc xây dựng trái phép ở cả quần đảo Hoàng Sa lẫn Trường Sa của Việt Nam.

2 mũi giáp công từ B-1 Lancer

Oanh tạc cơ B-1 Lancer ở căn cứ Anderson (đảo Guam)

PACOM

Không chỉ có “bóng ma” đang đồn trú tại Ấn Độ Dương, oanh tạc cơ siêu thanh B-1 Lancer của Mỹ từ vài tháng qua đã hiện diện tại căn cứ ở Nhật Bản và căn cứ Anderson (đảo Guam). Trong đó, việc hiện diện ở căn cứ tại Nhật Bản phần lớn nhằm tiến hành tham gia các cuộc tập trận chung với không quân nước sở tại.

Từ căn cứ Anderson, B-1 Lancer tiến hành một số hoạt động tại Biển Đông gần đây. Tất nhiên, với tầm chiến đấu hơn 5.500 km thì B-1 dù xuất phát từ Nhật Bản hay Guam thì đều dễ dàng tiếp cận Biển Đông.

Tương tự B-2 Spirit, B-1 Lancer cũng được trang bị để mang theo nhiều loại bom và tên lửa. Trong đó, B-1 Lancer là oanh tạc cơ sớm được trang bị tên lửa AGM-158 đối hạm tầm xa. Tất nhiên, dòng máy bay chiến đấu này cũng mang cả tên lửa AGM-158 phiên bản tấn công đất liền.

Nhận xét về sức mạnh các oanh tạc cơ, TS.Nagao cho biết: “Hiện nay, oanh tạc cơ chiến lược tầm xa không còn đơn thuần là máy bay ném bom. Với ưu thế tốc độ di chuyển nhanh, cỗ máy chiến tranh này có thể nhanh chóng tiếp cận mục tiêu và phóng tên lửa hành trình”.

Chính vì thế, với số oanh tạc cơ Mỹ đang triển khai hiện nay, nước này đủ sức tổ chức tác chiến bao phủ khắp Biển Đông và tấn công vào các tàu chiến, cơ sở quân sự đối phương tại vùng biển này. Đó là chưa kể sức mạnh từ các máy bay tiêm kích từ tàu sân bay Mỹ - đang hoạt động tại Biển Đông.

Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.