Indonesia bác yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông

Văn Khoa
Văn Khoa
03/01/2020 07:30 GMT+7

Indonesia khẳng định yêu sách của Trung Quốc về Biển Đông “không có cơ sở pháp lý”, còn chuyên gia cảnh báo Bắc Kinh đang cố biến Biển Đông thành eo biển.

Bộ Ngoại giao Indonesia ngày 30.12.2019 ra thông báo tố tàu hải cảnh Trung Quốc mới đây vào vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này quanh quần đảo Natuna, nằm phía nam Biển Đông, gọi đó là “sự vi phạm chủ quyền” và đã triệu tập đại sứ Trung Quốc để phản đối, theo Reuters.
Đến ngày 31.12.2019, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Cảnh Sảng lớn tiếng ngụy biện rằng Bắc Kinh có chủ quyền đối với quần đảo Trường Sa, vốn thuộc chủ quyền không thể tranh cãi của Việt Nam, và khẳng định Trung Quốc cùng Indonesia có hoạt động đánh bắt “bình thường” tại đó.
Đáp lại, trong thông cáo ngày 1.1, Bộ Ngoại giao Indonesia kêu gọi Trung Quốc giải thích “cơ sở pháp lý và ranh giới rõ ràng” liên quan đến yêu sách của nước này về EEZ dựa trên Công ước LHQ về luật Biển 1982 (UNCLOS). “Yêu sách của Trung Quốc về vùng đặc quyền kinh tế dựa trên cơ sở các ngư dân của họ từng hoạt động từ lâu ở đó là không có cơ sở pháp lý và chưa bao giờ được UNCLOS công nhận”, Bộ Ngoại giao Indonesia khẳng định.
Hôm 20.12.2019, khi trả lời phỏng vấn Đài Al Jazeera, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah cũng đã gọi yêu sách “đường lưỡi bò” phi pháp của Trung Quốc là “điều nực cười”.
Trả lời phỏng vấn Thanh Niên mới đây, chuyên gia Richard A Bitzinger thuộc chương trình biến đổi quân sự của Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) nói những gì Trung Quốc đã làm trong 5 - 8 năm qua cho thấy Bắc Kinh ngày càng cố coi Biển Đông như “ao nhà”. Ông chỉ ra Trung Quốc đã mở rộng sự hiện diện hải quân và bán hải quân ở Biển Đông, hiện đại hóa hải cảnh và gia tăng việc sử dụng lực lượng dân quân biển ở khu vực.
Ngoài ra, ông Bitzinger còn lưu ý tình trạng triển khai vũ khí tới đảo Phú Lâm trong quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam và những đảo nhân tạo Trung Quốc bồi đắp phi pháp trong quần đảo Trường Sa của Việt Nam cho thấy nước này cố biến Biển Đông thành eo biển.
“Hay nói cách khác, Bắc Kinh tìm cách biến Biển Đông từ tuyến đường biển quốc tế thành đường biển bị Trung Quốc kiểm soát và vùng biển chiến lược bị thu hẹp đối với những nước khác”, chuyên gia Bitzinger cảnh báo.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.