Kẻ đánh bom sân bay Kabul đã gây ra vụ nổ đẫm máu bằng cách nào?

Văn Khoa
Văn Khoa
28/08/2021 15:52 GMT+7

Giới chức Mỹ cho rằng kẻ đánh bom bên ngoài sân bay ở thủ đô Kabul tối 26.8 cố chờ cho đến giây phút cuối cùng có thể và Lầu Năm Góc vẫn đang xâu chuỗi lại các sự kiện diễn ra trong ngày đó.

Trong ngày 26.8, trước khi vụ đánh bom đẫm máu bên ngoài sân bay quốc tế Hamid Karzai ở thủ đô Kabul của Afghanistan xảy ra, một đám đông muốn vào sân bay đã tập trung ở cổng Abbey, một cổng chính vào sân bay do lính thủy đánh bộ Mỹ và nhiều thành viên của lực lượng khác giám sát. Những binh sĩ Mỹ này biết rằng họ có thể là mục tiêu tấn công sau khi Bộ Ngoại giao Mỹ cảnh báo về “mối đe dọa cụ thể” tại 3 cổng của sân bay Hamid Karzai, nơi hơn 5.000 binh sĩ Mỹ đã hỗ trợ sơ tán trên 100.000 người trong vòng chưa đầy 2 tuần qua, theo tờ The New York Times.

Một lính thủy đánh bộ Mỹ hỗ trợ an ninh cho việc sơ tán tại sân bay quốc tế Hamid Karzai ở Kabul ngày 26.8

Reuters

Giới chức Mỹ cho hay lực lượng an ninh sân bay quốc tế Hamid Karzai đã đóng cửa 2 trong số 3 cổng, nhưng quyết định để cổng Abbey mở. Họ cho biết thêm trước đó trong ngày 26.8, các chỉ huy và thành viên Taliban quản lý các chốt kiểm tra dọc tuyến đường đến sân bay đã 2 lần đẩy lùi các đám đông, nhưng các đám đông này sau đó vẫn trở lại.

Sau ngày sân bay Kabul bị IS đánh bom, Afghanistan hiện ra sao?

Trong lần trở lại thứ 3, có kẻ mang âm mưu hủy diệt đã trà trộn vào đám đông này.
Giới chức cho hay vào lúc 17 giờ 48 phút ngày 26.8, kẻ đánh bom đi bộ về hướng nhóm binh sĩ Mỹ đang kiểm tra những người hy vọng vào được sân bay. Hắn đã chờ cho đến ngay trước khi sắp bị binh sĩ Mỹ kiểm tra thì mới kích nổ quả bom. Thủ phạm và ít nhất 170 người chết, trong đó có 13 binh sĩ Mỹ, theo The New York Times dẫn lời giới chức y tế ở Kabul.
Thủ phạm đã mặc áo chứa khối chất nổ nặng tới hơn 11 kg, tức rất lớn so với áo bom tự sát thông thường. Theo tài liệu quân sự, những kẻ đánh bom tự sát thường đeo một sợi dây thắt lưng chứa tối đa 4,5 kg chất nổ hoặc mặc áo bom với từ 4,5-9 kg chất nổ.
Ngay sau khi quả bom được kích nổ, giới chức Lầu Năm Góc cho hay các tay súng gần đó khai hỏa, có thể đã bắn trúng một số người Mỹ và Afghanistan tại cổng Abbey.

Nhà Trắng: Afghanistan sẽ rất nguy hiểm trong vài ngày tới

Giới chức Lầu Năm Góc cho hay họ vẫn đang xâu chuỗi lại các sự kiện diễn ra tại cổng Abbey vào ngày 26.8. Sẽ có những câu hỏi: Làm sao kẻ đánh bom tránh được các chốt kiểm tra của Taliban? Có phải có người cho kẻ này lọt qua?
Chuẩn đô đốc Peter G. Vasely, một cựu thành viên của lực lượng đặc nhiệm SEAL thuộc hải quân Mỹ đang giám sát hoạt động tại sân bay quốc tế Hamid Karzai trước đó đã đề nghị các chỉ huy Taliban kiểm tra kỹ hơn những người hướng về phía cổng Abbey, theo giới chức Mỹ. Chỉ huy Bộ Tư lệnh trung tâm Mỹ Kenneth F. McKenzie Jr cho rằng Taliban có thể đã phá được những âm mưu khác.
Trong khi đó, những lính thủy đánh bộ Mỹ phụ trách giám sát cổng Abbey hôm 26.8 mới đến Kabul được khoảng một tuần. Họ là những người mới, phối hợp với lính dù Anh với mục tiêu là kiểm tra và cho nhiều người vào sân bay để sơ tán được càng nhiều càng tốt. Công việc đòi hỏi cần một phiên dịch viên và một loa phóng thanh để thuyết phục đám đông lùi lại. Khi đó, các binh sĩ Mỹ đã mở 2 chốt kiểm tra tại cổng Abbey.

[VIDEO] Mỹ không kích diệt "kẻ lập kế hoạch" của ISIS-K, bắt đầu báo thù vụ đánh bom đẫm máu sân bay Kabul

Một ngày sau vụ đánh bom đẫm máu nói trên, Đại sứ quán Mỹ tại Afghanistan ra báo động về an ninh, kêu gọi công dân Mỹ rời khỏi các cổng xung quanh sân bay quốc tế Hamid Karzai ngay lập tức, theo AFP. Báo động được đưa ra vài giờ sau khi Lầu Năm Góc cảnh báo chiến dịch sơ tán các công dân Mỹ và những người Afghanistan từng làm việc cho các nước phương Tây đang đối diện “các mối đe dọa đáng tin, cụ thể”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.