Trong 12 năm qua, khủng bố vẫn xảy ra ở nước Anh nhưng không gây nên tổn thất lớn về sinh mệnh như ở Manchester.
Dù thủ phạm chỉ là một phần tử riêng biệt, còn được mệnh danh là “sói đơn độc”, hay là tổ chức, lực lượng khủng bố nào đấy thì tính chất và tác động của vụ việc không thay đổi mà vẫn là khủng bố, bạo lực cực đoan, chết chóc và hủy hoại. Cả nước Anh trong cơn sốc mới và cú sốc này ảnh hưởng trực tiếp tới cuộc bầu cử quốc hội trước thời hạn trên đảo quốc này.
EU cũng bị sốc và cú sốc ấy ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc đàm phán về việc nước Anh ra khỏi EU (Brexit). Bài học từ Manchester không chỉ cho riêng ai.
Cả hai một lần nữa phải thấy là châu Âu luôn bị đe dọa tấn công khủng bố và việc đẩy lùi nguy cơ khủng bố nội sinh từ trong lòng xã hội các nước trên châu lục khó khăn hơn rất nhiều cuộc chiến tranh chống khủng bố mà họ tiến hành ở bên ngoài châu lục, nhưng lại cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Khủng bố làm cho cuộc tổng tuyển cử ở Anh và toàn bộ việc nước này ra khỏi EU bị ảnh hưởng cả về bầu không khí chính trị lẫn kết quả cuối cùng. Cử tri trên đảo quốc như thể vừa có được sự khẳng định là ra khỏi EU thì có thể đảm bảo an ninh tốt hơn nhưng đồng thời cũng buộc phải nhận ra rằng không còn dựa vào EU được nữa thì cũng càng thêm dễ bị tổn thương về an ninh. Còn EU không thể không thấy rằng Brexit đưa Anh ra khỏi EU nhưng ít nhất cả hai vẫn cùng chìm hay nổi trên cùng con tàu an ninh.
Bình luận (0)