Lầu Năm Góc định tăng cường vũ khí hạt nhân đối phó Nga?

15/01/2018 16:17 GMT+7

Bản thảo Đánh giá chung về tình trạng hạt nhân (NPR) của Lầu Năm Góc bị rò rỉ cho thấy các quan chức quốc phòng Mỹ muốn mở rộng, hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân nhằm đối Nga, Trung Quốc và các nước khác.

Trong số những loại vũ khí mới được đề xuất là đầu đạn hạt nhân với có lượng phóng xạ hạn chế trang bị cho tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm Trident hiện hữu, theo dự thảo NPR được truyền thông Mỹ lần lượt công bố cuối tuần qua.
Dù có lượng phóng xạ hạn chế, đầu đạn này có sức công phá mạnh hơn hai quả bom nguyên tử ném xuống Hiroshima và Nagasaki trong chiến tranh thế giới lần 2, khiến hàng chục ngàn người thiệt mạng, theo tờ South China Morning Post.
Theo dự thảo, những loại vũ khí hạt nhân nhỏ hơn là cần thiết do môi trường chiến lược bị đe dọa. Theo luận điểm của Lầu Năm Góc: nếu đối thủ có kho vũ khí hạt nhân không bị kiểm soát bởi các hiệp định hiện hữu, thì Mỹ buộc phải sở hữu khí tài tương ứng để đối phó trong trường hợp cần thiết.

Luận điểm này được cho là tập trung vào Nga do Lầu Năm Góc cáo buộc Moscow vi phạm Hiệp ước Cắt giảm vũ khí chiến lược mới (New START) hồi năm 2017. Trong năm đó, Nga triển khai tên lửa hành trình hạt nhân mới, được xem là mối đe dọa với châu Âu, nơi Mỹ đã triển khai khoảng 240 vũ khí hạt nhân.
Theo Lầu Năm Góc, vì Nga nghĩ rằng trang bị vũ khí hạt nhân với lượng phóng xạ hạn chế có thể mang lại lợi thế, nên Mỹ cũng phải sở hữu vũ khí tương ứng.
Dự thảo đồng thời đề xuất phát triển tên lửa hành trình mang đầu đạn hạt nhân phóng từ tàu ngầm (SLCM) thế hệ mới cho quân đội. Chính phủ cựu tổng thống Barack Obama từng loại bỏ SLCM trong báo cáo NPR hồi năm 2010. Tuy nhiên, các quan chức quốc phòng dưới thời Tổng thống Donald Trump cho rằng loại tên lửa này là thật sự cần thiết trong tình hình hiện nay.
Dù vậy, tên lửa và đầu đạn hạt nhân mới sẽ làm gia tăng chi phí hiện đại hóa kho vũ khí hạt nhân Mỹ. Văn phòng Ngân sách Quốc hội Mỹ ước tính Washington sẽ phải chi 1.200 tỉ USD trong vòng 30 năm tới để chế tạo và bảo quản vũ khí hạt nhân thế hệ mới.
Lầu Năm Góc từ chối bình luận, nhấn mạnh NPR vẫn chưa hoàn thiện và sẽ được Tổng thống và Bộ trưởng Quốc phòng phê duyệt. Báo cáo NPR chính thức dự kiến được công bố sau khi Tổng thống Trump đọc thông điệp liên bang vào ngày 30.1.
Giới phê bình cho rằng Mỹ không nên trang bị thêm vũ khí hạt nhân mới. Ông Jon Wolfsthal, cựu quan chức Hội đồng An ninh Quốc gia thời Tổng thống Obama, nhận định chính phủ ông Trump muốn gửi thông điệp mạnh mẽ rằng Mỹ không tha thứ cho hành động sử dụng vũ khí hạt nhân, nhưng khó có thể thuyết phục Quốc hội thông qua kế hoạch bổ sung khí tài thế hệ mới. Theo ông Wolfsthal, Quốc hội trước đây nhiều lần bác bỏ đề xuất của Lầu Năm Góc về việc tăng cường đầu đạn hạt nhân cho tên lửa phóng từ tàu ngầm.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.