Mạng lưới mắt thần thế hệ mới của Nga

03/12/2016 10:36 GMT+7

Nga đang khẩn trương thử nghiệm mạng lưới radar thế hệ mới nhằm hoàn tất hệ thống cảnh báo sớm tên lửa hiện đại trước năm 2020.

Quá trình thử nghiệm trạm radar mới Voronezh-DM sẽ được hoàn tất trong vài năm tới, theo tiết lộ từ Chủ tịch Sergei Boyev của Tập đoàn hệ thống thông tin và công nghệ radio Nga. “Các cuộc thử nghiệm trạm radar Voronezh-DM cấp quốc gia sẽ diễn ra ở gần thành phố Murmansk, miền tây bắc nước Nga. Công tác xây dựng trạm radar này đang được triển khai ở khu vực miền núi với độ cao hơn 400 m so với mực nước biển”, theo trang tin Ruaviation.com dẫn lời ông Boyev.
Việc triển khai các trạm radar Voronezh thế hệ mới sẽ giúp Nga bảo vệ được cả khu vực tây bắc, tây nam, đông nam và miền nam đất nước khỏi các mối đe dọa tên lửa đạn đạo liên lục địa.
Giá rẻ, chất lượng cao
Trang RBTH trích lời ông Boyev cho biết thêm trạm radar sẽ được lắp gần thành phố Murmansk, giúp bao quát toàn bộ khu vực miền tây nước Nga. Nó có khả năng phát hiện mọi vật thể bay trong không gian, bao gồm cả các tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình. Với tầm hoạt động từ 4.500 - 6.000 km, Voronezh-DM được cho là có thể quan sát hầu như toàn bộ lãnh thổ châu Âu, đồng thời theo dõi tới 500 vật thể bay cùng lúc.
Theo giới chức quân sự Nga, Voronezh-DM còn có khả năng nhận biết một vụ phóng tên lửa đạn đạo ngay từ những phút giây đầu tiên. Đó là nhờ sự hỗ trợ của các vệ tinh loại Tundra được Bộ Quốc phòng Nga phóng lên quỹ đạo trái đất từ năm ngoái, có nhiệm vụ thông báo các vụ phóng tên lửa đạn đạo từ lãnh thổ đối phương. Nhờ đó, hệ thống Voronezh-DM sẽ phát hiện ngay điểm phóng tên lửa từ bất cứ nơi nào trên thế giới và chỉ sau vài phút là xác định được đường bay của tên lửa.
“Một trạm radar như vậy bao quát được khu vực trải dài từ thành phố St.Petersburg đến bờ biển nước Mỹ”, theo trang RBTH dẫn một nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Nga. Giới quan sát quân sự thế giới nhận định trạm radar cảnh báo sớm Voronezh-DM là một sự đáp trả của Nga đối với chương trình phòng thủ tên lửa của Mỹ ở châu Âu.
Trạm radar Voronezh-DM được chế tạo bằng các mô đun sản xuất ngay tại nhà máy nên rút ngắn được khoảng thời gian xây cất, chỉ còn tầm 1 năm so với 5 - 10 năm để xây các thế hệ radar trước đây. Chi phí xây dựng trạm radar này cũng rẻ hơn nhiều, chỉ từ 23 - 31 triệu USD so với 1 tỉ USD phải bỏ ra để xây các trạm radar thế hệ cũ.
Thiết kế mô đun giúp quá trình hiện đại hóa về sau thuận tiện hơn cũng như dễ dàng tái triển khai nhanh chóng tới một địa điểm mới. Ngoài ra, trạm cần ít người vận hành hơn, chỉ 15 người so với khoảng 100 người cho các trạm radar thế hệ trước. Theo hãng Sputnik, Voronezh-DM được trang bị các thiết bị điện tử rất hiện đại song mức tiêu thụ năng lượng cũng thấp hơn so với các radar cảnh báo sớm khác là Dnepr và Daryal. Mức tiêu thụ năng lượng của nó chỉ khoảng 0,7 MW so với 2 MW của Dnepr và 50 MW của Daryal.
Bên trong phòng điều khiển của một trạm radar Voronezh Ảnh: Sputnitk
Mạng lưới dày đặc
Do có kế hoạch sẽ hoàn thiện mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa toàn diện vào năm 2018 nên kể từ đầu thập niên 2000, Nga đã bắt tay hiện đại hóa mọi hệ thống cảnh báo sớm tên lửa. Để bao quát bảo vệ các đường biên giới của mình, Moscow cũng quyết định triển khai hệ thống cảnh báo sớm Voronezh thay thế các hệ thống radar lớp Dnepr và Daryal cũ kỹ từ thời Liên Xô.
Tổng thống Nga Vladimir Putin thậm chí từng tuyên bố sẽ đưa vào trực chiến 7 trạm radar lớp Voronezh trong năm 2018.
Ngay từ năm 2008, một trạm radar cảnh báo sớm Voronezh đã được triển khai ở Lekhtusi gần thành phố St.Petersburg. Trạm này có thể phát hiện mọi vật thể bay trong không gian từ bờ biển của Marocco cho đến Spitsbergen, một quần đảo ở Bắc cực. Trạm radar thứ hai đã được đặt tại Armavir thuộc vùng lãnh thổ Krasnodar, có khả năng theo dõi mọi động tĩnh trong khu vực trải dài từ Bắc Phi đến Ấn Độ, theo trang RBTH.
Các hệ thống cảnh báo tên lửa tương tự hiện đang được bố trí ở vùng Kaliningrad và ở gần thành phố Irkutsk với nhiệm vụ theo dõi các vụ phóng tên lửa từ hướng tây cũng như trong khu vực kéo dài từ Trung Quốc cho đến bờ biển phía tây nước Mỹ. Bộ Quốc phòng Nga còn có kế hoạch đưa vào sử dụng 4 trạm radar thế hệ mới tại các vùng lãnh thổ Krasnoyarsk ở đông Siberia, Altai ở nam Siberia cũng như ở thành phố Orsk thuộc vùng Orenburg và gần thị trấn Vorkuta của nước này.
Uy lực sát thủ phòng không Nudol
Để hỗ trợ mạng lưới cảnh báo sớm tên lửa, Nga còn đang thử nghiệm hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo A-235 Nudol. Thông tin về A-235 Nudol hiện vẫn rất ít ỏi song theo Hãng Sputnik, hệ thống này được chế tạo để đẩy lùi mọi cuộc tấn công hạt nhân vào thủ đô Moscow cũng như các khu công nghiệp quan trọng khác của Nga. Ngoài ra, hệ thống này được cho là có thể bắn hạ cả các vệ tinh quân sự.
A-235 Nudol là sản phẩm của Tập đoàn quốc phòng Almaz-Antey và một khi đi vào hoạt động, nó sẽ thay thế hệ thống phòng thủ A-135 đang được triển khai. Hệ thống A-235 Nudol có nhiều đặc điểm giống A-135 khi sở hữu tên lửa đánh chặn 51T6, có khả năng ngăn chặn mọi tên lửa đạn đạo di chuyển với tốc độ 7 km/giây ở độ cao 5 km, theo trang tin Global Security. Tên lửa 51T6 còn được trang bị đầu đạn hạt nhân để nâng cao khả năng tiêu diệt tên lửa đạn đạo liên lục địa của đối phương.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.