Máy bay ném bom Nga lại áp sát tàu sân bay Mỹ

02/11/2017 10:27 GMT+7

Các chiến đấu cơ Mỹ và Nhật Bản đã "nghênh đón" khi hai máy bay ném bom Nga tiến gần tàu sân bay Mỹ Ronald Reagan.

Đài CNN dẫn lời các quan chức quốc phòng ngày 1.11 cho biết hai chiến đấu cơ F/A-18 cất cánh từ tàu Ronald Reagan để bám đuôi và bay kèm hai chiếc Tu-95 ra xa tàu sân bay này hôm 29.10.
Các quan chức quốc phòng Mỹ cáo buộc hai máy bay ném bom Nga có hành động “không an toàn và thiếu chuyên nghiệp”.
Tuy nhiên, Bộ Quốc phòng Nga trong một thông báo khẳng định: “Hai máy bay ném bom Tu-95 tiến hành chuyến bay thường lệ qua vùng biển trung lập ở Biển Nhật Bản và phía tây Thái Bình Dương”.
Theo trang tin Sputnik (Nga), chiếc F/A-18 Hornets bay áp sát Tu-95 và các chiến đấu cơ Nhật bao gồm F-15, F-2A và F-4, cũng bám đuôi máy bay Nga.
Vào thời điểm xảy ra vụ việc, tàu sân bay Ronald Reagan đang hoạt động trong Biển Nhật Bản, theo CNN.
Một chiến đấu cơ F-18 bay kèm máy bay ném bom TU-95 của Nga. Ảnh tư liệu
Đây là một trong số ba tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân đang hoạt động ở tây Thái Bình Dương.
Mặc dù Hải quân Mỹ không công bố chi tiết nhiệm vụ của các tàu sân bay, nhưng giới quan sát xem đây là động thái nhằm “dằn mặt” CHDCND Triều Tiên và gửi thông điệp cho Nga, Trung Quốc vốn là hai quốc gia đang nỗ lực tăng cường sự hiện diện ở Thái Bình Dương.
Nga cũng đã điều động máy bay ném bom bay gần bán đảo Triều Tiên trong những tháng gần đây, nhằm khẳng định với cả Bắc Kinh và Washington rằng Moscow cũng xoay trục sang châu Á.
Trong khi đó, trang tin Defense News ngày 1.11 dẫn lời một số quan chức quốc phòng Mỹ cho biết các máy bay ném bom chiến lược H-6 của Không quân Trung Quốc thường xuyên diễn tập tấn công đảo Guam và bay áp sát đảo Hawaii. Cả hai đảo này đều là nơi đặt các căn cứ quân sự quan trọng của Mỹ ở Thái Bình Dương.
Trong buổi họp báo tại Hawaii, Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Mỹ Joseph Dunford cho biết Washington lo ngại về hoạt động của Trung Quốc ở Thái Bình Dương.
Tuy nhiên, ông Dunford khẳng định Mỹ vẫn luôn là cường quốc Thái Bình Dương, loại trừ khả năng xảy ra chiến tranh với Trung Quốc.
Trước đó, cựu chỉ huy hải quân Thomas Shugart cảnh báo Trung Quốc đã diễn tập tấn công tên lửa nhắm vào các căn cứ và tàu chiến Mỹ ở Thái Bình Dương. Lực lượng quân sự Mỹ chỉ có 10-15 phút để phản ứng, theo ông Shugart.
Hồi năm 2015, quân đội Trung Quốc đã ra mắt tên lửa đạn đạo tầm trung DF-26 với Guam, Hàn Quốc và Nhật Bản đều nằm trong tầm bắn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.