Chính phủ Nhật xem cuộc tập trận nói trên là “hoạt động quân sự cực kỳ nguy hiểm”, có thể dẫn tới "sự cố bất ngờ”, theo Kyodo news hôm 19.8 dẫn các nguồn tin cho hay. Tuy nhiên, Tokyo không gửi công hàm phản đối Bắc Kinh hay công khai vụ việc vì không muốn tiết lộ các khả năng phân tích và thu thập thông tin tình báo của Nhật.
Các nguồn tin nói rõ, vào cuối tháng 5, nhiều chiếc JH-7 tiếp cận 2 khu trục hạm Nhật đang hoạt động tại vị trí trong tầm tấn công của tên lửa chống hạm Trung Quốc. Khi đó, thủy thủ đoàn trên chiến hạm Nhật không thể xác định được ý định của phi công Trung Quốc.
Tuy nhiên, những đơn vị thuộc Lực lượng phòng vệ Nhật đã chặn và nghe được cuộc liên lạc giữa các phi công lái JH-7 rằng họ sẽ tiến hành cuộc tập trận dùng chiến hạm Nhật làm mục tiêu giả định, theo nguồn tin.
Dựa vào kết quả phân tích cuộc liên lạc qua vô tuyến, đường bay của các JH-7 và thông tin khác, chính phủ Nhật kết luận một cuộc tập trận chống hạm đã được tiến hành. Một số quan chức Nhật tin rằng cuộc tập trận của JH-7 trên mang tính khiêu khích, trong khi giới chuyên gia quốc phòng nhận định tình huống cần được phân tích thêm.
“Thông thường không có khả năng đơn vị quân sự dùng quân đội của nước khác làm mục tiêu trong cuộc diễn tập ở vùng biển quốc tế”, nhà phân tích Bonji Ohara thuộc Tổ chức Hòa bình Sasakawa ở Tokyo khẳng định và cho rằng cần phải tìm hiểu liệu động thái trên là do chỉ huy quân sự Trung Quốc ra lệnh hay chỉ do phi công thực hiện. Bắc Kinh chưa có phản ứng.
Hồi năm 2013, một chiến hạm Trung Quốc hướng radar kiểm soát hỏa lực vào một khu trục hạm Nhật ở biển Hoa Đông, buộc Tokyo gửi công hàm phản đối Bắc Kinh.
Bình luận (0)