Mỹ âm thầm rút toàn bộ máy bay ném bom B-52 khỏi đảo Guam

18/04/2020 10:35 GMT+7

Với sự rời đi của các B-52, không quân Mỹ (USAF) chấm dứt chính sách luân phiên liên tục các oanh tạc cơ tại căn cứ không quân Andersen ở Guam, vốn kéo dài từ năm 2004, để chuyển sang chiến lược ít bị đoán trước hơn.

Toàn bộ 5 oanh tạc cơ ném bom hạt nhân B-52 đã bất ngờ rời khỏi Guam hôm 16.4, chấm dứt Sứ mệnh máy bay ném bom liên tục hiện diện (CBP) tại khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, theo trang The Drive hôm 17.4.
Trang Aircraft Spots ghi lại hình ảnh nhóm B-52 đang di chuyển bên trên căn cứ không quân Minot ở bang Bắc Dakota, với tín hiệu liên lạc trên màn hình radar là “SEEYA”, tức “hẹn gặp lại”.
Phát ngôn viên Bộ tư lệnh chiến lược Mỹ, thiếu tá Kate Atanasoff cho hay việc tái bố trí B-52 phù hợp với Chiến lược Quốc phòng Quốc gia mới của nước này, chẳng hạn theo đó các oanh tạc cơ được gọi về căn cứ nhà và sẵn sàng xuất kích một khi nhận mệnh lệnh.

Hình ảnh trên Aircraft Spots cho thấy phi đội B-52 quay về căn cứ không quân Minot

Aircraft Spots

“Các oanh tạc cơ chiến lược của Mỹ sẽ tiếp tục hoạt động ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, bao gồm Guam, theo khung thời gian và tiến độ mà chúng tôi lựa chọn”, thiếu tá Atanasoff cho biết.
Trước đó, từ năm 2004 đến mới đây, các đời máy bay ném bom của Mỹ, từ B-52 đến dòng mới hơn là B-1B và B-2, liên tục được điều động luân phiên đến Guam trong mỗi 6 tháng.
Tuy nhiên, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump, USAF bắt đầu thử nghiệm chiến lược “Điều động lực lượng linh hoạt”, chẳng hạn như trường hợp đưa B-2 đến đảo Wake, lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ ở phía tây Thái Bình Dương.
Chính Lầu Năm Góc đã “vô ý” tiết lộ thông tin phi đội B-52 rời khỏi Guam, khi một tấm ảnh của dòng máy bay này hôm 14.4 đã xuất hiện trên trang DVIDS của Bộ Quốc phòng Mỹ với chú thích “Sứ mệnh CPB cuối cùng ở Guam”.
Sau đó, chú thích đã được đổi thành “(căn cứ không quân) Andersen luôn sẵn sàng”.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.