“Nếu Đức muốn giảm tiềm năng hạt nhân và làm suy yếu NATO, thì có lẽ Ba Lan - thực hiện đầy đủ nghĩa vụ [tài chính] của mình, hiểu được những rủi ro mà sườn phía đông của NATO phải đối mặt - có thể tiếp quản kho vũ khí hạt nhân này”, Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Georgette Mosbacher viết trên Twitter ngày 16.5 (giờ địa phương).
Theo hãng Sputnik ngày 17.5, giới chức Ba Lan chưa phản hồi về tuyên bố trên của bà Mosbacher.
Nga, nước luôn phản đối việc mở rộng về phía đông của NATO và triển khai vũ khí hạt nhân gần với biên giới của Nga, cũng chưa bình luận về nhận định trên của Đại sứ Mỹ tại Ba Lan Mosbacher.
Bà Mosbacher đưa ra lời đề nghị trên nhằm đáp lại lời tuyên bố của Đại sứ Mỹ tại Đức Richard Grenell, người từng kêu gọi Berlin giữ kho vũ khí hạt nhân của Mỹ nhằm chống lại các mối đe dọa tiềm tàng từ Nga, Trung Quốc và CHDCND Triều Tiên.
Mỹ được cho là có khoảng 150 đơn vị vũ khí hạt nhân ở châu Âu, trong đó có 20 đơn vị tại Đức.
Đại sứ Mỹ tại Đức Grenell tiếp tục chỉ trích ý tưởng loại bỏ vũ khí hạt nhân Mỹ khỏi Đức, điều mà gần đây đã được các chính trị gia Đức thảo luận, nói rằng đó sẽ là sự phản bội các cam kết của NATO.
Ông Grenell không phải là người duy nhất gây áp lực với Đức về vấn đề kho vũ khí hạt nhân của Mỹ. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cũng kêu gọi Berlin duy trì kho vũ khí trên với lý do là nguy cơ từ Nga.
Ông Grenell hồi năm ngoái cũng từng tuyên bố Mỹ sẽ rút quân khỏi Đức và đưa đến Ba Lan nếu Berlin không nâng mức chi tiêu quốc phòng lên 2% GDP theo thỏa thuận của NATO.
Bình luận (0)