Mỹ lo chương trình 'Ngàn nhân tài' của Trung Quốc

Khánh An
Khánh An
20/05/2020 09:00 GMT+7

Cơ quan chức năng Mỹ tăng cường kiểm soát vì cho rằng Trung Quốc lợi dụng chương trình “Ngàn nhân tài” để đánh cắp nhiều bí mật công nghệ.

Theo tờ Washington Examiner, Bộ Tư pháp Mỹ đang tăng cường đối phó việc Trung Quốc gia tăng ảnh hưởng đến các viện nghiên cứu Mỹ, với nhiều vụ tạm giữ và điều tra các chuyên gia bị nghi có liên quan đến chương trình “Ngàn nhân tài” của Trung Quốc.

Chương trình gây tranh cãi

Theo Đài CGTN, chương trình “Ngàn nhân tài” được Trung Quốc đưa ra vào năm 2008 nhằm thu hút công dân Trung Quốc, Hoa kiều và người nước ngoài phát triển sự nghiệp tại Trung Quốc, đặc biệt là giáo sư và chuyên gia tại các đại học, viện nghiên cứu và các tập đoàn quốc tế.
Chính phủ Trung Quốc thông báo cho phép các chuyên gia nước ngoài đóng vai trò cấp cao trong lĩnh vực khoa học, công nghệ cũng như tại các tập đoàn nhà nước.
Những nhân tài này còn được trả lương bằng với mức cao nhất họ có thể được hưởng tại các nước phương Tây và thậm chí còn được cấp thị thực thường trú theo loại chỉ dành cho doanh nhân nước ngoài.
Trong đợt tổng kết 10 năm, chương trình đã thu hút hơn 8.000 chuyên gia Trung Quốc đang làm việc ở nước ngoài trở về nước, chủ yếu đến các thành phố lớn như Bắc Kinh, Thượng Hải, Thâm Quyến và các thành phố ven biển nơi dễ tiếp cận môi trường nghiên cứu khoa học hơn. Theo trang ClearanceJobs, chương trình đến nay đã thu hút hơn 70.000 chuyên gia chia sẻ kiến thức chuyên môn, trong đó có nhiều chuyên gia Mỹ. Tuy nhiên, nhiều người bị phát hiện che giấu cấp trên về mối quan hệ với Trung Quốc.

Điều tra hàng loạt chuyên gia

Trong số những chuyên gia bị tạm giữ tuần qua có Giáo sư Simon Saw-Teong Ang (63 tuổi) giảng dạy kỹ thuật điện tại Đại học Arkansas-Fayetteville, Mỹ từ năm 1988. Chuyên gia này bị khởi tố với cáo buộc lừa đảo vì không tiết lộ việc ông giữ nhiều chức vụ ở một trường đại học và các công ty tại Trung Quốc nên vi phạm các chính sách về xung đột lợi ích của Mỹ.
Bên cạnh đó, Bộ Tư pháp Mỹ vào ngày 13.5 còn tạm giữ Giáo sư Qing Wang chuyên ngành di truyền phân tử tại Bệnh viện Cleveland và Đại học Case Western. Tòa án cho biết chuyên gia này che giấu việc ông làm cho Đại học Khoa học kỹ thuật Hoa Trung ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), nhận tài trợ từ Quỹ Khoa học tự nhiên quốc gia Trung Quốc và tham gia chương trình “Ngàn nhân tài” của nước này.
Ngoài ra, Bộ Tư pháp Mỹ gần đây còn truy tố nhiều chuyên gia khác như cựu Giáo sư Xiao-Jiang Li tại Đại học Emory và ông Charles Lieber, Chủ nhiệm Khoa Hóa Đại học Harvard, vì che giấu sự liên quan đến chương trình của Trung Quốc.

“Gián điệp phi truyền thống”

Tiểu ban Điều tra thường trực Thượng viện, đứng đầu là thượng nghị sĩ Rob Portman đưa ra báo cáo vào tháng 11.2019 kết luận rằng “có những nước tìm cách lợi dụng sự cởi mở của Mỹ vì lợi ích quốc gia riêng và hung hăng nhất là Trung Quốc”. Bên cạnh đó, Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) cho rằng Trung Quốc lợi dụng chương trình “Ngàn nhân tài” để cài “gián điệp phi truyền thống”.
Theo báo cáo vừa mới công bố của Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ), Mỹ rất quan ngại về việc Trung Quốc lấy được công nghệ bằng mọi cách. Theo đó, chương trình “Ngàn nhân tài” có mục tiêu ban đầu là tạo ra một “xã hội sáng tạo” chứ không phải phương thức để trộm công nghệ. Tuy nhiên, vào năm 2010, chương trình cho phép các chuyên gia đồng thời làm việc tại Trung Quốc và nước ngoài, trong đó có liên quan đến chuyển giao công nghệ khiến giới chức Mỹ lo ngại.
Cũng theo báo cáo, Mỹ xem an ninh kinh tế là thành phần quan trọng trong an ninh quốc gia. Do đó, việc chuyển giao tri thức trái phép đến nước cạnh tranh chiến lược rõ ràng là mối đe dọa lớn, dù Trung Quốc cho rằng việc Mỹ tăng cường đối phó là “bất công”.
Trung Quốc kín đáo hơn ?
Sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) tăng cường điều tra các cá nhân nghi ngờ liên quan, Trung Quốc dường như đang kín tiếng hơn về chương trình “Ngàn nhân tài”. Theo Đài CNA, chương trình này đã được đưa ra khỏi công tác tuyên truyền chính thức của Trung Quốc và các cơ quan ngôn luận của chính phủ cũng ngừng quảng bá từ tháng 9.2018. Tờ Hong Kong Economic Times dẫn văn bản chính thức của Trung Quốc lan truyền trên mạng lưu ý rằng không nên đề cập đến tên của chương trình trong bất cứ thông báo công khai nào. Bên cạnh đó, theo CNA, việc đề cập đến tên chương trình này cũng bị kiểm duyệt trên Weibo và các mạng xã hội khác của Trung Quốc kể từ tháng 4. Theo Đài NTD, “mọi dấu vết của chương trình” gần đây đã biến mất trên mạng internet ở Trung Quốc, kể cả ứng dụng tìm kiếm lớn nhất nước này là Baidu.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.