Mỹ muốn dùng tàu ngầm Nhật để ‘bóp nghẹt’ hải quân Trung Quốc?

Văn Khoa
Văn Khoa
06/05/2021 19:00 GMT+7

Một số chuyên gia cho rằng tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của Nhật rất phù hợp án ngữ tại các khu vực quan trọng nhằm ngăn chặn các tàu hải quân Trung Quốc vươn ra đại dương trong cuộc xung đột tiềm tàng Mỹ-Trung.

Đối với việc phát triển quân sự ồ ạt của mình, Trung Quốc có một số điểm yếu khó có thể vượt qua, trong số đó có vị trí địa lý, theo tờ Nikkei Asia.
“Khi bạn quan sát các căn cứ tàu ngầm Trung Quốc, mỗi căn cứ đều có vùng biển nông tương đối rộng mà các tàu ngầm phải di chuyển để đến vùng biển sâu”, cựu thủy thủ tàu ngầm hải quân Mỹ Tom Shugart cho hay trong cuộc trả lời phỏng vấn gần đây với Nikkei Asia.
Một khi ở trong vùng biển sâu, tàu ngầm gần như khó bị phát hiện. Các tàu ngầm Nhật và Đài Loan có thể di chuyển thẳng vào các vùng biển nước sâu, lợi thế mà tàu ngầm Trung Quốc không có được.

Tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân của Trung Quốc xuất hiện ở Biển Đông hồi năm 2018

Reuters

“Để di chuyển từ các vùng biển gần bờ của Trung Quốc đến vùng biển mở, các tàu ngầm Trung Quốc phải di chuyển qua các vị trí án ngữ và eo biển ở các chuỗi đảo. Việc này sẽ cung cấp cơ hội cho đối thủ như Mỹ và lực lượng tàu ngầm của các đồng minh theo dõi sát sao và cố gắng ngăn chặn nếu xảy ra xung đột”, ông Shugart, hiện là nhà nghiên cứu thuộc tổ chức nghiên cứu CNAS (Mỹ), bình luận.

Vai trò của Nhật

Việc kiểm soát các vị trí án ngữ có thể là một trong những đóng góp quan trọng của Nhật Bản trong một cuộc xung đột tiềm tàng với Trung Quốc, theo nhà khoa học chính trị Jeffrey Hornung tại tổ chức nghiên cứu Rand Corp (Mỹ).
Chuỗi đảo Nansei của Nhật trải dài từ mũi cực nam của vùng Kyushu đến phía bắc của Đài Loan. Chuỗi đảo này bao gồm nhiều nhóm đảo nhỏ hơn như Osumi, Tokara, Amami, Okinawa, Miyako và Yaeyama. Hồi tháng 4, tàu sân bay Liêu Ninh cùng 5 tàu hộ tống của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako, tuyến đường thủy rộng khoảng 250 km nằm giữa Okinawa và Miyako, trước khi tiến về phía nam đến gần Đài Loan.

Tàu sân bay Liêu Ninh của Trung Quốc đi qua eo biển Miyako hồi tháng 4

Chụp màn hình The Japan Times

“Vai trò của Nhật nên là kiểm soát vị trí án ngữ. Nếu quan sát quần đảo Nansei sẽ thấy có nhiều vị trí án ngữ mà với sự kết hợp các năng lực tàu ngầm và thả thủy lôi phòng thủ của Lực lượng Phòng vệ biển, Nhật Bản có thể cản trở hoàn toàn tuyến đường thủy đó, khiến Trung Quốc chỉ có thể hoạt động xung quanh Đài Loan hoặc chỉ ở biển Hoa Đông, nơi Mỹ và Nhật có thể lên kế hoạch cho việc kiểm soát tình trạng như thế”, ông Hornung nhận định.
“Nếu Nhật càng tập trung vào phòng thủ với tên lửa hành trình diệt hạm hoặc máy bay tuần tra biển P-3C để phát hiện hoặc săn tàu ngầm Trung Quốc, việc đó sẽ giúp Mỹ dồn lực chiến đấu”, ông Hornung bình luận tiếp.

Tàu ngầm của Nhật, Úc "rất hữu ích"

Ngoài ra, ông Shugart nhận định tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của Nhật đặc biệt phù hợp cho sứ mệnh như trên. “Đội tàu ngầm chạy bằng điện-diesel của các đồng minh như Nhật và Úc có thể rất hữu ích cho việc phòng thủ các vị trí án ngữ”, ông Shugart bình luận, lưu ý rằng sứ mệnh này không cần tàu ngầm phải di chuyển nhiều và nhanh.
“Tàu ngầm chạy bằng điện-diesel rất êm và nếu bạn có một địa điểm tĩnh cần để bảo vệ vị trí án ngữ trong một chuỗi đảo, thì đó là nơi rất hữu dụng để đặt một tàu ngầm chạy bằng điện-diesel”, ông Shugart cho hay.

Khu trục hạm chở trực thăng, tàu ngầm Nhật Bản tập trận ở Biển Đông

Trong khi đó, những tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân như những chiếc của Mỹ, phù hợp cho những hoạt động ở đại dương, rượt đuổi kẻ thù hoặc phóng tên lửa từ một địa điểm bí mật.
“Việc phòng thủ chuỗi đảo có vị thế án ngữ có thể là một cách hữu ích để sử dụng hạm đội tàu ngầm chạy bằng điện-diesel từ các đồng minh của Mỹ như Úc và Nhật và có thể cả Hàn Quốc", ông Shugart nhận định. Đó có thể là một dạng phối hợp mà Mỹ và các đồng minh ngày càng hướng tới khi họ chuẩn bị cho khả năng đối diện các khí tài tiên tiến của Trung Quốc.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.