Đài CNN ngày 31.8 dẫn lời chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ Frank McKenzie cho hay quân đội Mỹ đã sử dụng nhiều khí tài tại Afghanistan gần đến những giờ phút cuối trước khi rút quân, và một số được mang theo còn một số bị phá hủy.
Chuyến bay di tản binh sĩ Mỹ cuối cùng khỏi Kabul diễn ra vào phút cuối trước nửa đêm 30.8 (giờ địa phương), ngay trước thời hạn rút quân vào ngày 31.8 mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đã cam kết.
Các thiết bị quân sự bỏ lại đã được “phi quân sự hóa”, có nghĩa là chúng không còn có thể tiếp tục sử dụng nữa, theo tướng McKenzie. Chẳng hạn như hệ thống phòng thủ C-RAM hiện đại, tức hệ thống chống rốc két, đạn pháo, đạn cối bị bỏ lại tại sân bay Hamid Karzai ở Kabul.
Hệ thống tự động này phát hiện hỏa lực hướng đến và dùng súng máy bắn chặn, đã được kích hoạt một ngày trước khi hoàn tất rút quân, trong vụ các thành viên ISIS-K phóng khoảng 5 quả rốc két đến sân bay. Hai quả rốc két có thể đã phóng đến nơi nếu không có hệ thống C-RAM ngăn chặn.
“Đó là một quy trình phức tạp và mất thời gian để phá hỏng các hệ thống này, phi quân sự hóa chúng và không để chúng có thể tái sử dụng. Chúng tôi cảm thấy bảo vệ lực lượng quan trọng hơn là mang những thứ này về”, ông McKenzie cho biết.
|
“Tổng cộng 73 máy bay sẽ không bao giờ bay được nữa khi chúng tôi rời đi, chúng sẽ không bao giờ được bất cứ ai sử dụng”, ông cho biết.
Trong khi đó, cựu Tổng thống Donald Trump chỉ trích rằng Mỹ chưa bao giờ rút quân một cách kém như thế.
“Tất cả các thiết bị nên được yêu cầu trả cho Mỹ ngay lập tức, trong đó có từng xu trong số 85 tỉ USD chi phí. Nếu không được trao lại, chúng ta nên can thiệp bằng lực lượng quân sự để lấy lại, hoặc ít nhất đánh bom chúng”, ông phát biểu.
Người Mỹ cuối cùng của đợt di tản là ai?Theo CNN, 2 quan chức sau cùng rút chân khỏi đất Afghanistan và bước lên chiếc máy bay quân sự cuối rời khỏi Kabul trước thời điểm nửa đêm 30.8 là 2 quan chức, bao gồm thiếu tướng Chris Donahue, chỉ huy sư đoàn không vận số 82 và Đại sứ Ross Wilson. “Trên chuyến bay cuối là tướng Donahue và Đại sứ Wilson, họ đã rời đi cùng nhau”, theo ông Kenneth McKenzie, chỉ huy Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ. “Đội ngũ ngoại giao và quốc phòng lên chuyến bay cuối, và là những người sau cùng bước lên máy bay”, ông cho biết.
|
Bình luận (0)