Myanmar khó càng thêm khó

01/04/2021 00:00 GMT+7

Luật sư cho hay sức khỏe của bà Aung San Suu Kyi tạm thời vẫn ổn định sau 2 tháng bị giam giữ, trong lúc Nhật Bản thông báo cắt viện trợ và Mỹ rút nhân viên ngoại giao khỏi Myanmar.

Hôm qua 31.3, ông Min Min Soe, một thành viên của đội ngũ luật sư biện hộ bà Aung San Suu Kyi, đã được phép tiếp xúc thân chủ qua hình thức trực tuyến tại đồn cảnh sát ở thủ đô Naypyidaw. “Có vẻ như tình trạng sức khỏe của bà Suu Kyi vẫn tốt”, Reuters dẫn lời ông Min Soe.
Tuy nhiên, bà Suu Kyi đã yêu cầu được gặp trực tiếp luật sư và từ chối thảo luận thêm trước sự hiện diện của cảnh sát. Hiện bà đối mặt một loạt cáo buộc hình sự và vĩnh viễn bị cấm tham gia chính trường nếu bị kết tội. Hôm nay sẽ diễn ra phiên tòa kế tiếp xét xử bà Suu Kyi.
Bộ Ngoại giao Mỹ đã yêu cầu tất cả nhân viên ngoại giao không thiết yếu phải lập tức rời khỏi Myanmar vì vấn đề an toàn, theo AFP. Mệnh lệnh mới nhất đánh dấu sự nâng cấp trong quyết định của Bộ Ngoại giao Mỹ liên quan đến việc đưa nhân viên ngoại giao rời Myanmar so với thời điểm giữa tháng 2. Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cũng lên tiếng kêu gọi các công ty nước ngoài hãy cân nhắc khả năng ngừng quan hệ với các đối tác thương mại đang ủng hộ chính quyền quân sự Myanmar. Đến hôm qua, thêm một công ty Pháp thông báo rút khỏi Myanmar do tình trạng chính trị bất ổn.

Cách phản đối mới của người dân Myanmar: đình công rác thải

Trong khi đó, Nhật Bản tuyên bố ngừng giải ngân các khoản viện trợ mới cho nước này. Khi thông báo trước quốc hội hôm 30.3, Ngoại trưởng Toshimitsu Motegi nhấn mạnh “Nhật Bản là quốc gia hỗ trợ kinh tế lớn nhất cho Myanmar”, và vì thế nước này phải thể hiện lập trường rõ ràng về những gì đang diễn ra ở quốc gia Đông Nam Á. Tuy nhiên, Tokyo vẫn chưa đề cập khả năng cấm vận trong trường hợp này, theo Hãng thông tấn Kyodo News.
Tính đến ngày 31.3, ít nhất 512 dân thường đã thiệt mạng trong các cuộc biểu tình phản đối vụ chính biến vào ngày 1.2. Các vụ đụng độ cũng bắt đầu nổ ra giữa quân đội Myanmar và các nhóm vũ trang thiểu số ở những khu vực tiền tiêu, buộc nhiều dân thường phải tháo chạy sang biên giới các nước láng giềng. Theo Reuters, tổng cộng cuối tuần qua đã có khoảng 3.000 người chạy nạn sang Thái Lan.
Chính quyền TP.Thụy Lệ, tỉnh Vân Nam (Trung Quốc), từ ngày 31.3 đã ban bố lệnh phong tỏa sau khi phát hiện 6 ca Covid-19 trong cộng đồng, 3 trong số này là người tị nạn từ Myanmar. Cùng ngày, chính quyền tỉnh Vân Nam cảnh báo sẽ nghiêm khắc xử lý những vụ vượt biên bất hợp pháp, nhưng không đề cập đến quốc gia láng giềng trong tuyên bố.
HĐBA LHQ ngày 31.3 (giờ New York, Mỹ) tổ chức phiên họp khẩn cấp về tình hình Myanmar theo yêu cầu của Anh. Trước đó, tiến sĩ Sasa, đặc phái viên của Myanmar tại LHQ do chính quyền trước bổ nhiệm, đã lên tiếng kêu gọi HĐBA hãy tăng cường cấm vận quân đội Myanmar cả về khía cạnh kinh tế lẫn ngoại giao, theo Đài CNBC.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.