Nepal phẫn nộ vì truyền thông Trung Quốc ‘đoạt’ đỉnh Everest

11/05/2020 20:26 GMT+7

Ngày càng có thêm nhiều người Nepal lên mạng xã hội chỉ trích đài CGTN sau khi đăng tuyên bố trên Twitter cho rằng “đỉnh núi Everest cao nhất thế giới" hoàn toàn nằm trên lãnh thổ của Trung Quốc đại lục.

Làn sóng phản đối Trung Quốc đang dâng cao tại Nepal sau khi đài CGTN hôm 2.5 viết trên Twitter rằng: “Mặt trời hôm nay trông thật tuyệt vời khi chúng tôi leo lên đỉnh #Qomolangma, còn gọi là Everest, đỉnh núi cao nhất thế giới nằm ở khu tự trị Tây Tạng của Trung Quốc”.
Dòng tweet trên lập tức khuấy động tâm trạng phẫn nộ của nhiều người Nepal, và một lần nữa hashtag #backoffchina (lùi lại đi Trung Quốc) trở thành xu hướng trong cộng đồng mạng, theo NDTV của Ấn Độ.
Anup Kaphle, tổng biên tập Rest of the World và từng là tổng biên tập báo Kathmandu Post, phản ứng trên Twitter: “…đỉnh núi cao nhất thế giới ở Tây Tạng của Trung Quốc ư? Thật sự là điều vớ vẩn vì lâu nay chúng ta được dạy rằng đỉnh Everest nằm trên lãnh thổ Nepal”.
Nhà phân tích chính trị của Kathmandu, Lekhnath Pandey cũng lên tiếng chất vấn: “Giờ đây đến lượt Trung Quốc sao? Cứ như thể đỉnh #Everest, hay còn gọi là #Sagarmatha theo tên của #Nepal, chỉ thuộc về #Trung Quốc vậy!”.
Người dân Nepal cho rằng dòng trạng thái của CGTN là sai sự thật, đồng thời yêu cầu cơ quan ngoại giao Trung Quốc phải cải chính. “Thưa @PRCAmbNepal (Đại sứ Trung Quốc tại Nepal), ông thấy điều đó (việc nói đỉnh Everest nằm trên lãnh thổ Trung Quốc) là công bằng sao? Chúng tôi cần lời giải thích”, một người dùng @coronanpl viết trên twitter.
Nepal tuyên bố đỉnh Everest nằm trên lãnh thổ của mình nhân chuyến thăm của thủ tướng nước này đến Trung Quốc, tạo ra cuộc tranh cãi chủ quyền đối với ngọn núi cao nhất thế giới giữa hai nước từ những năm 1960.
Thủ tướng lúc đó là Bishweshwar Prasad Koirala đã được Chủ tịch Mao Trạch Đông mời sang thăm. Theo báo cáo về cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo do Trung Quốc xuất bản vào năm 1998, ông Mao nói chia đỉnh Everest thành hai nửa bằng nhau.
"Tranh chấp có thể được giải quyết bằng cách chia đều cho mỗi bên. Phần phía nam là của bạn và phần phía bắc là của chúng ta", báo cáo được công bố trên Diplomacy and Foreign Language Press năm 1998.
Ông Mao sau đó đề nghị đổi tên núi Everest “trên cơ sở hiểu biết giữa hai quốc gia”. "Chúng ta sẽ không gọi nó là Everest, đó là tên gọi của người phương Tây. Chúng ta sẽ không gọi Sagarmatha (tên của người Nepal gọi Everest), cũng như Qomolangma (tên của người Trung Quốc gọi Everest) mà là Núi Hữu nghị Trung Quốc-Nepal”, theo trang 307 trên ấn phẩm Diplomacy and Foreign Language Press dẫn phát biểu của ông Mao.
Sau phát biểu của ông Mao, đỉnh Everest trở thành vấn đề tranh chấp giữa hai nước.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.