Theo đó, thay vì tiếp tục thử nghiệm tại Mỹ, AstraZeneca sẽ tiến hành một cuộc thử nghiệm mới trên toàn cầu để đánh giá hiệu quả của việc sử dụng liều lượng thấp hơn so với liều lượng đầy đủ trong nghiên cứu trước. Ông Soriot cho biết: “Thử nghiệm lần này có thể nhanh hơn vì chúng tôi biết hiệu quả cao nên có thể cần số lượng bệnh nhân ít hơn”.
Động thái trên diễn ra sau khi AstraZeneca và đối tác là Đại học Oxford đối mặt với nghi vấn về tỷ lệ hiệu quả vắc xin Covid-19 của hãng, khiến cơ hội được Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU) cấp phép nhanh đang thu hẹp lại.
Một số nhà khoa học nghi ngờ về tính chắc chắn của kết quả được AstraZeneca công bố ngày 23.11, vốn cho thấy vắc xin của hãng có hiệu quả 90% trong một nhóm nhỏ tình nguyện viên, do nhầm lẫn, ban đầu chỉ được tiêm nửa liều và theo sau là liều đầy đủ. Tuy nhiên, ông Soriot cho hay cuộc thử nghiệm bổ sung sẽ không làm ảnh hưởng đến tiến trình phê duyệt của các cơ quan chức năng ở Anh và EU.
Trước diễn biến trên, các nhà phát triển vắc xin Covid-19 Sputnik V hôm 26.11 kêu gọi AstraZeneca thử kết hợp vắc xin của hãng với vắc xin của Nga để tăng hiệu quả, theo Reuters. Phía Nga cho biết vắc xin Sputnik V có hiệu quả 92%, trong khi AstraZeneca cho hay vắc xin của họ có hiệu quả trung bình 70% và có thể lên tới 90%.
Trong diễn biến liên quan, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo nước này sẽ bắt đầu phân phối vắc xin Covid-19 vào tuần sau và tuần sau nữa, theo Reuters. Phát biểu trước các binh sĩ Mỹ ở nước ngoài thông qua cuộc họp trực tuyến nhân dịp lễ Tạ ơn ngày 26.11, Tổng thống Trump nói rằng trước mắt vắc xin Covid-19 sẽ được cung cấp cho đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế, những người trong tuyến đầu chống dịch và nhóm người lớn tuổi.
Bình luận (0)