Nguy cơ khủng hoảng vì rác

30/05/2019 22:25 GMT+7

Các quốc gia phát triển có thể lâm vào khủng hoảng do các nước châu Á lần lượt từ chối nhập khẩu và trả lại rác thải.

Bộ trưởng Môi trường Malaysia Yeo Bee Yin hôm qua tuyên bố sẽ trả lại 450 tấn rác thải độc hại cho nhiều quốc gia bao gồm Anh và Mỹ, theo tờ New Straits Times. Theo bà Yeo, 5 container chứa rác độc hại đã được gửi lại Tây Ban Nha vào tháng 4, sau khi chính phủ Malaysia lập lực lượng đặc nhiệm, tiến hành hơn 10 chiến dịch truy quét rác nhập khẩu trái phép.
Bộ trưởng Yeo nhấn mạnh: “Malaysia không phải là bãi rác cho các nước phát triển. Những ai nhập khẩu rác trái phép là kẻ phản quốc, phải chịu trách nhiệm vì hủy hoại môi trường”. Trước đó, Malaysia và Thái Lan tuyên bố sẽ cấm nhập khẩu rác thải nhựa kể từ năm 2021. Tương tự, Philippines đã gây sức ép quyết liệt buộc Canada lấy lại hàng tấn rác thải độc hại được chuyển trái phép đến nước này.
Các nước châu Á có động thái này sau khi Trung Quốc, nhà nhập khẩu rác lớn nhất thế giới, cấm nhận thêm rác từ năm 2017. Sau đó, Ấn Độ lập tức nối gót Trung Quốc, cấm nhập khẩu rác thải nhựa cứng. Chính vì vậy, nhiều quốc gia phát triển như Mỹ, Anh và Đức chật vật tìm biện pháp thay thế cho “giải pháp hoàn hảo lâu nay” là xuất khẩu rác sang châu Á. Trong danh sách các nước thải rác nhựa nhiều nhất thế giới, Mỹ đứng đầu với 38 triệu tấn/năm, tiếp đó là Đức (14,5 triệu tấn/năm), theo số liệu mới đây của Tổ chức Our World in Data.
[VIDEO] Philippines trả 69 container rác về Canada
Giới chuyên gia dự đoán Mỹ và các nước phát triển sẽ lâm vào khủng hoảng trong vài năm tới do châu Á nói không với rác nhập khẩu. Có một nghịch lý là ngành xử lý rác thải nội địa ở các quốc gia phát triển lại được đánh giá là “kém phát triển”. Chẳng hạn, chính phủ Úc vừa lên tiếng cảnh báo ngành công nghiệp tái chế nội địa ngày càng xuống dốc sau nhiều năm xuất khẩu rác. Còn chính phủ Anh kể từ năm 2018 bắt đầu điều tra hàng loạt công ty bị cáo buộc không sàng lọc để tái chế, đổ hoặc đốt rác bừa bãi, gây ô nhiễm cùng nhiều sai phạm khác, theo tờ The Independent. Tổ chức Cơ quan Môi trường dự đoán Anh không thể đạt chỉ tiêu tự xử lý hơn phân nửa số rác thải vào năm 2020 sau lệnh cấm của Trung Quốc.
Còn ở Pháp, bất chấp người dân biểu tình phản đối, chính phủ hồi tháng 2 quyết định mở rộng bãi rác bị quá tải ở đảo Corsica để chứa thêm 220.000 tấn trong vòng 4 năm tới do không còn giải pháp thay thế, theo Đài France 24. Chính phủ Pháp đồng thời cho phép mở rộng bãi rác chất cao như núi ở ngoại ô thủ đô Paris sau làn sóng biểu tình phản đối kéo dài 2 năm qua. Nhiều tổ chức bảo vệ môi trường cảnh báo các nước phát triển chậm nâng cấp hệ thống xử lý sẽ có nguy cơ bị chôn vùi trong núi rác.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.