Ít nhất 27 ca nhiễm vi rút corona mới (2019-nCoV) đầu tiên đã được ghi nhận tại ổ dịch thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc “trong tháng 12.2019”, trang The Paper (Trung Quốc) dẫn lời các quan chức ngành y tế giấu tên tiết lộ.
Đến ngày 31.12.2019, đài truyền hình trung ương Trung Quốc (CCTV) mới đưa tin chính thức là một nhóm chuyên gia của Ủy ban Y tế Quốc gia đã được cử đến Vũ Hán để "kiểm tra và xác minh thông tin có liên quan". Còn Ủy ban y tế thuộc chính quyền Vũ Hán lúc đó chỉ thông báo ngắn gọn rằng các bệnh viện đang điều trị “một loạt” bệnh nhân mắc bệnh viêm phổi lạ và không cung cấp thêm chi tiết.
Khi số người chết cùng trường hợp nhiễm bệnh không ngừng tăng lên và lây lan ra nước ngoài, đến ngày 23.1, chính phủ Trung Quốc mới lần lượt phong tỏa Vũ Hán cùng 12 thành phố khác và gấp rút xây bệnh viện 1.000 giường ở Vũ Hán trong vòng chỉ 10 ngày, theo AFP.
“Quả bom dịch bệnh hẹn giờ”
Giới chuyên gia cho rằng những động thái kể trên của chính phủ Trung Quốc là “quá muộn màng”.
"Tôi nghĩ rằng chúng ta đã vượt quá khoảng thời gian vàng trong kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh", ông Quản Dật, chuyên gia vi sinh học tại Đại học Hồng Kông, nói với AFP.
Chuyên gia Quản chỉ ra rằng một số lượng lớn người dân đã rời khỏi Vũ Hán trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
“Như vậy, kể từ khi có thông tin về bệnh viêm phổi lạ hồi cuối tháng 12.2019, họ có thể đã ủ bệnh trên đường rời khỏi Vũ Hán", ông Quản nói.
“Các triệu chứng mất vài ngày cho đến 14 ngày mới xuất hiện, đủ thời gian cài “quả bom dịch bệnh hẹn giờ”, chờ lúc bùng nổ khắp cả nước và nước ngoài”, theo ông Quản.
Vi rút corona mới (2019-nCoV) thuộc chủng corona vốn gây ra dịch Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và Hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Các chuyên gia Trung Quốc xác định loại vi rút mới có khả năng “thích nghi, đột biến, lây lan qua đường hô hấp từ người sang người”, có thể xuất phát từ động vật hoang dã được bày bán tại chợ Hoa Nam ở trung tâm Vũ Hán.
|
Tìm đủ cách để trốn khỏi vùng dịch
Adam Kamradt-Scott, chuyên gia về an ninh y tế tại Đại học Sydney (Úc), cảnh báo lệnh phong tỏa ở bất kỳ quốc gia nào kéo dài hơn một tuần có nguy cơ dẫn đến bất ổn xã hội.
“Chính quyền Trung Quốc nên ý thức được điều này và giám sát tình hình chặt chẽ để tránh nguy cơ bất ổn xã hội bùng phát", ông Kamradt-Scott nói.
|
Các chuyên gia đồng thời cảnh báo nguy cơ người dân tìm mọi cách trốn thoát khỏi Vũ Hán với dân số 11 triệu người, ngay cả khi Trung Quốc triển khai lực lượng an ninh dày đặc đến đó, chặn đường, đình chỉ tất cả dịch vụ xe lửa, máy bay và giao thông công cộng.
"Những người giàu và có mối quan hệ với quan chức… chắc chắn sẽ tiến hành kế hoạch thoát khỏi thành phố trót lọt", học giả Dương Tử tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam (Singapore) nói với AFP .
"Tôi chưa bao giờ cảm thấy sợ hãi vì dịch bệnh. Nhưng lần này tôi thật sự rất lo sợ", chuyên gia Quản chia sẻ.
Chuyên gia Kamradt-Scott đánh giá “chỉ một số ít” quốc gia trên thế giới có thể thực hiện biện pháp cách ly diện rộng “đáng tin cậy” và trong số ít đó là Mỹ.
Biện pháp cách ly xuất hiện ở thành phố Venice (Ý) từ thế kỷ 14. Khi đó, các tàu đến thành phố nếu khởi hành từ cảng có dịch bệnh sẽ bị giữ ngoài khơi trong vòng 40 ngày.
Trong nhiều thế kỷ qua, Mỹ đã áp dụng biện pháp cách ly để chống lại dịch bệnh sốt vàng, các quốc gia châu Âu làm điều tương tự nhằm ngăn chặn sự bùng phát dịch tả. Một số quốc gia Tây Phi đã phong tỏa các thị trấn, ngăn chặn dịch Ebola lan rộng trong vòng 10 năm qua.
Tuy nhiên, để biện pháp cách ly hiệu quả thì nó phải được tiến hành đồng bộ, nhanh chóng, kịp thời kể từ khi phát hiện những ca nhiễm đầu tiên, theo các chuyên gia.
|
Bình luận (0)