Nhận diện chính sách đối ngoại mới của Mỹ

Ngọc Mai
Ngọc Mai
21/01/2021 07:20 GMT+7

Nước Mỹ dưới thời Tổng thống Joe Biden không chỉ phải xử lý cuộc khủng hoảng kép đối nội mà còn phải giải nhiều bài toán khó về đối ngoại.

Nhiệm kỳ 4 năm của người tiền nhiệm Donald Trump đã định hình một nước Mỹ rất khác so với thời ông Biden còn làm phó tổng thống. Cách tiếp cận về đối ngoại của chính quyền ông Trump tạo ra sự thay đổi đáng kể về cục diện quan hệ Mỹ với bên ngoài. Đã có những kỳ vọng, cả những tranh cãi đòi hỏi chính quyền mới phải thay đổi, nhưng chắc chắn không phải là đảo ngược tất cả.

Đưa nước Mỹ trở lại

Nước Mỹ vẫn dẫn đầu thế giới trên nhiều lĩnh vực nhưng đã khước từ vai trò và vị thế dẫn dắt thông qua hàng loạt động thái gây tranh cãi dưới thời ông Trump. Với chính sách “nước Mỹ trước tiên”, ông Trump đã rút Mỹ khỏi các tổ chức quốc tế và thỏa thuận đa phương quan trọng. Đồng thời, quan hệ của Mỹ với đồng minh cũng mất dần lòng tin do nhiều đòi hỏi thực dụng.
Trong phiên điều trần trước Ủy ban Đối ngoại Thượng viện ngày 19.1, ông Antony Blinken - người được ông Biden chọn làm ngoại trưởng - đã cam kết khôi phục vị thế lãnh đạo của Mỹ. Cụ thể hơn, chính quyền mới sẽ tập trung vào gắn kết lại các mối quan hệ với đồng minh và đối tác dựa trên các giá trị, lợi ích chung để giải quyết các vấn đề quốc tế thay vì chọn giải pháp đơn phương như trước. Ông Blinken tuyên bố chính quyền Biden sẽ xem xét lại toàn bộ cách tiếp cận với CHDCND Triều Tiên, tìm kiếm thỏa thuận lâu dài và chặt chẽ hơn với Iran, gia hạn hiệp ước hạt nhân với Nga. Bên cạnh đó, ông Blinken khẳng định sẽ tiếp tục coi Jerusalem là thủ đô của Israel nhưng cũng sẽ tìm cách công nhận nhà nước Palestine.

7 thách thức tân tổng thống Biden phải đối mặt

Thỏa thuận với Taliban tại Afghanistan và việc tuyên bố lực lượng Houthi ở Yemen là khủng bố cũng sẽ được xét lại.
Những phát biểu này cho thấy sự thay đổi căn bản về cách tiếp cận của chính quyền mới so với thời ông Trump làm tổng thống. Các biện pháp chính sách dù chưa cụ thể nhưng nhìn chung đã khắc họa việc vận dụng ngoại giao truyền thống của Mỹ. Cũng cần lưu ý, với cách tiếp cận mới này, nhiều vấn đề quốc tế có thể trở nên dễ chịu hơn nhưng cũng sẽ có những khía cạnh đặt ra thách thức lớn với Mỹ và thế giới như Triều Tiên.

Trung Quốc vẫn là mối bận tâm hàng đầu

Dù có nhiều khác biệt nhưng Mỹ dưới thời ông Biden hay ông Trump cũng đều lưu tâm đặc biệt đến nhân tố Trung Quốc. Cứng rắn với Trung Quốc cũng là vấn đề hiếm hoi được lưỡng đảng Mỹ đồng lòng trong những năm qua. Chính vì vậy, ông Blinken không ngần ngại tuyên bố ủng hộ cách tiếp cận với Trung Quốc của chính quyền Trump. Trong phiên điều trần nêu trên, ngoại trưởng tương lai nói: “Tôi tin rằng Tổng thống Trump đã đúng khi có cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. Tôi không đồng ý với phương pháp của ông ấy trong nhiều lĩnh vực nhưng nguyên tắc cơ bản là điều đúng đắn”.
Ông Blinken tuyên bố sẽ duy trì sức ép lên Trung Quốc về vấn đề thương mại và nhân quyền. Đồng thời, ông nhấn mạnh chính quyền mới sẽ duy trì cam kết giúp Đài Loan đảm bảo năng lực tự vệ. Ông Blinken cũng tán thành việc Ngoại trưởng Mike Pompeo - người ông chuẩn bị kế nhiệm - nới lỏng những quy định về việc giao thiệp giữa các quan chức Mỹ - Đài Loan.
Hai vị trí chủ chốt khác trong “bộ sậu” an ninh của ông Biden là ứng viên Giám đốc Cơ quan Tình báo quốc gia (DNI) Arvil Haines và ứng viên Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin cũng đều nêu rõ lập trường tương tự với Trung Quốc. Điều trần trước Ủy ban Tình báo Thượng viện hôm qua, bà Haines cho biết sẽ chuyển hướng ưu tiên nguồn lực để đối phó với các mối đe dọa từ Trung Quốc, theo Reuters. “Cách tiếp cận của Mỹ với Trung Quốc ngày càng nâng cấp, đáp ứng thực tế trước một Trung Quốc độc đoán và hung hăng. Tôi ủng hộ một lập trường cứng rắn hơn để đối phó”, bà nói. Theo bà, DNI trong thời gian tới sẽ ưu tiên thu thập và chia sẻ cái nhìn sâu sắc về ý định và năng lực của Trung Quốc, hỗ trợ nỗ lực đối phó với các hành vi hung hăng, cưỡng ép, trái pháp luật của Bắc Kinh.
Cùng ngày, tướng Austin điều trần trước Ủy ban Quân vụ Thượng viện rằng Trung Quốc là “thách thức” đối với quân đội Mỹ. Khi được yêu cầu đánh giá về việc quân đội Trung Quốc đặt mục tiêu ngang bằng hoặc vượt Mỹ trong những thập niên tới, ông Austin tự tin tuyên bố: “Nếu được phê chuẩn, tôi sẽ đảm bảo điều đó không bao giờ xảy ra”. Tuy cùng là cứng rắn với Trung Quốc nhưng chính quyền mới được dự đoán sẽ chú trọng củng cố các khối liên minh và quan hệ đối tác để đối phó Bắc Kinh.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.