Rạng sáng qua 14.7 (theo giờ Việt Nam), Bộ Ngoại giao Mỹ công bố tuyên bố “Lập trường của Mỹ về các yêu sách biển tại Biển Đông”. Cụ thể, trong tuyên bố được đưa lên website của Bộ Ngoại giao Mỹ, Ngoại trưởng Mike Pompeo nhấn mạnh yêu sách của Trung Quốc đối với các nguồn tài nguyên ngoài khơi tại hầu hết Biển Đông cũng như chiến dịch bắt nạt của nước này để kiểm soát các nguồn tài nguyên là hoàn toàn phi pháp.
“Bắc Kinh sử dụng sự hăm dọa nhằm làm suy yếu quyền chủ quyền của những quốc gia Đông Nam Á nằm ven bờ Biển Đông, bắt nạt họ trong vấn đề tài nguyên ngoài khơi, khẳng định sự thống trị đơn phương và thay thế luật pháp quốc tế bằng “chân lý thuộc về kẻ mạnh””, tuyên bố viết.
|
“Không có căn cứ pháp lý”
Cũng trong tuyên bố trên, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “CHND Trung Hoa không có căn cứ pháp lý nào để đơn phương áp đặt ý chí của họ lên khu vực. Bắc Kinh đã không đưa ra cơ sở pháp lý rõ ràng nào cho yêu sách “đường chín đoạn” (đường lưỡi bò) ở Biển Đông kể từ họ khi chính thức công bố yêu sách này vào năm 2009”.
Cảnh giác trên Biển ĐôngTrợ lý Ngoại trưởng Mỹ cảnh báo 4 vấn đề cần “cảnh giác” trên Biển Đông. Tối 14.7 (giờ Việt Nam), Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ David Stilwell đã tham gia hội thảo thường niên lần thứ 10 về Biển Đông do Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS, Mỹ) tổ chức.
Ông Stilwell cảnh báo 4 điểm cần lưu ý trong vấn đề Biển Đông hiện nay, gồm: vai trò của các doanh nghiệp nhà nước Trung Quốc, việc đàm phán Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), việc Trung Quốc đẩy mạnh “phát triển chung” với các quốc gia ASEAN trong việc khai thác tài nguyên, và chiến dịch vận động để “kiếm” một ghế trong Tòa án Quốc tế về luật Biển (ITLOS).
Nêu lại việc giàn khoan Hải Dương 981 của Trung Quốc đã hoạt động phi pháp trên vùng biển Việt Nam năm 2014 và việc nhiều tàu khảo sát và giàn khoan của Trung Quốc được đưa ra Biển Đông thời gian gần đây, ông Stilwell cảnh báo việc Trung Quốc sử dụng doanh nghiệp nhà nước như các công cụ áp bức kinh tế. Việc Trung Quốc xây dựng các căn cứ quân sự trên Biển Đông cũng đã hủy hoại môi trường biển và sự ổn định của khu vực. Các đội tàu cá của Trung Quốc cũng được sử dụng như công cụ quấy rối và đe dọa các quốc gia khác. Về đàm phán COC, ông Stilwell cảnh báo việc Trung Quốc đòi hỏi các quốc gia ASEAN không tiết lộ quá trình đàm phán để “ép” ASEAN phải chấp nhận nhượng bộ trong những vấn đề cốt lõi, bao gồm việc ASEAN có thể hợp tác với quốc gia nào trong diễn tập quân sự và khai thác dầu khí. Vũ Hân
|
“Do Bắc Kinh không thể đưa ra yêu sách biển hợp pháp, rõ ràng tại Biển Đông, Mỹ bác bỏ bất cứ yêu sách nào của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển nằm ngoài lãnh hải 12 hải lý tính từ các đảo mà CHND Trung Hoa đưa ra yêu sách tại quần đảo Trường Sa. Theo đó, Mỹ bác bỏ bất kỳ yêu sách biển của CHND Trung Hoa đối với các vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam)”, ông Pompeo nhấn mạnh trong tuyên bố.
Trong phần cuối của tuyên bố, Ngoại trưởng Pompeo nhấn mạnh: “Thế giới sẽ không cho phép Bắc Kinh ứng xử Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình… Chúng tôi ủng hộ cộng đồng quốc tế trong việc bảo vệ tự do trên biển và tôn trọng chủ quyền, và bác bỏ bất cứ đòi hỏi nào nhằm áp đặt “chân lý thuộc về kẻ mạnh” ở Biển Đông hoặc ở khu vực rộng lớn hơn”.
Tập trung chú ý Biển Đông
Diễn biến đáng chú ý liên quan Biển Đông gần đây14.7
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo tuyên bố các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông là “hoàn toàn phi pháp” và bác bỏ “đường lưỡi bò” của nước này.
Sách trắng quốc phòng thường niên của Nhật Bản cảnh báo Trung Quốc tiếp tục tìm cách thay đổi hiện trạng ở Biển Đông.
12.7
Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tuyên bố nước này không thỏa hiệp với Trung Quốc về vấn đề Biển Đông.
9.7
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe và Thủ tướng Úc Scott Morrison bày tỏ quan ngại về những “diễn biến tiêu cực” ở Biển Đông.
4 - 6.7
Hai nhóm tác chiến tàu sân bay Mỹ tập trận chung hiếm thấy ở Biển Đông.
1 - 5.7
Quân đội Trung Quốc tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
27.6
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nhấn mạnh: “Trung Quốc không được phép ứng xử với Biển Đông như đế chế hàng hải của mình”.
26.6
Kết thúc Hội nghị cấp cao ASEAN 36, các lãnh đạo ASEAN nhất trí xây dựng Biển Đông thành một vùng biển hòa bình, hợp tác, vì sự thịnh vượng chung.
25.6
Bộ trưởng Quốc phòng Nhật Bản Taro Kono cho rằng hoạt động của Trung Quốc ở Biển Đông là “đáng báo động”.
1.6
Mỹ gửi văn bản kháng nghị lên LHQ phản đối tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc ở Biển Đông.
26.5
Indonesia trình công hàm lên LHQ, lặp lại rằng “bản đồ đường chín đoạn bao hàm yêu sách về các quyền lịch sử thiếu cơ sở pháp lý quốc tế và đi ngược lại UNCLOS 1982”.
19.4
Việt Nam phản đối mạnh mẽ việc Trung Quốc ngày 18.4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” thuộc cái gọi là “thành phố Tam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa của Việt Nam.
2.4
Tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá QNg-90617-TS của ngư dân Quảng Ngãi gần Hoàng Sa.
30.3.2020
Phái đoàn thường trực Việt Nam tại LHQ trình Công hàm số 22/HC-2020 để phản đối các yêu sách của Trung Quốc tại Biển Đông được nêu trong Công hàm CML/14/2019 và Công hàm CML/11/2020.
2.12.2019
Malaysia trình Công hàm số HA 59/12 lên Ủy ban Ranh giới thềm lục địa của LHQ về thềm lục địa mở rộng của nước này tại Biển Đông.
|
Phản ứng về tuyên bố trên của Ngoại trưởng Pompeo, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Triệu Lập Kiên hôm qua chỉ trích Mỹ “phá hoại hòa bình và ổn định ở Biển Đông”, theo Reuters. Thực tế, gần đây Trung Quốc đã có hàng loạt hành động gây quan ngại ở Biển Đông, như tập trận phi pháp xung quanh quần đảo Hoàng Sa thuộc chủ quyền Việt Nam từ ngày 1 - 5.7. Ngoài ra, Trung Quốc ngày 18.4 ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam.
Trung Quốc phải tuân thủ phán quyết Sau khi Ngoại trưởng Pompeo đưa tuyên bố trên, Bộ trưởng Quốc phòng Philippines Delfin Lorenzana tuyên bố nước này nhất trí cao với lập trường của cộng đồng quốc tế rằng cần phải có một trật tự dựa trên luật lệ ở Biển Đông, theo tờ Manila Bulletin.
Ông Lorenzana kêu gọi Trung Quốc tuân thủ phán quyết ngày 12.7.2016 của Tòa trọng tài quốc tế và Công ước LHQ về luật Biển (UNCLOS). Hôm 12.7, đúng 4 năm ngày phán quyết được đưa ra, Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin Jr. tái khẳng định nước này sẽ luôn theo phán quyết và không thỏa hiệp với Trung Quốc, theo báo The Rappler.
Trước đó, Bộ Ngoại giao Philippines đã ra tuyên bố phản đối vụ Trung Quốc ngang ngược lập cái gọi là “quận Tây Sa” và “quận Nam Sa” để quản lý quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền Việt Nam. Hôm 8.4, bộ này còn lên tiếng bày tỏ quan ngại về tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm tàu cá của ngư dân Quảng Ngãi gần quần đảo Hoàng Sa vào ngày 2.4.
Nhật cảnh báo Trung Quốc
|
Trong khi đó, Indonesia gần đây cũng thể hiện lập trường cứng rắn với Trung Quốc ở khu vực. Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi hôm 18.6 tuyên bố lập trường của nước này là dựa theo UNCLOS, không có tuyên bố chủ quyền chồng lấn với Trung Quốc ở Biển Đông nên “không có lý do để đàm phán”, theo kênh CNA. Bà Retno Marsudi đưa ra tuyên bố này sau khi Trung Quốc ngày 2.6 gửi công hàm lên LHQ, mời Indonesia đàm phán về cái gọi là “những tuyên bố chồng lấn về các quyền và lợi ích” ở Biển Đông.
Đáp lại, trong công hàm gửi Tổng thư ký LHQ António Guterres ngày 12.6, Indonesia lập luận các thực thể trong quần đảo Trường Sa không được hưởng quy chế Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) hay thềm lục địa nên không thể có sự chồng lấn với EEZ hay thềm lục địa của Indonesia. “Indonesia lặp lại rằng bản đồ đường chín đoạn (đường lưỡi bò) ẩn chứa các yêu sách về quyền lịch sử thiếu cơ sở pháp lý và đi ngược lại với UNCLOS 1982”, công hàm viết.
Bình luận (0)