Nỗ lực chống ô nhiễm không khí ở Bangkok

25/05/2017 07:09 GMT+7

Bầu trời thủ đô Bangkok (Thái Lan) từ khói mù ô nhiễm dày đặc ở thập niên 1990 chuyển sang trong xanh nhờ vào những chính sách chống ô nhiễm không khí quyết liệt.

“Nếu chúng tôi không có biện pháp ngăn chặn ô nhiễm không khí trong vòng 20 - 25 năm qua thì bầu trời Bangkok không thể trong xanh như ngày nay”, chuyên gia chống ô nhiễm không khí Supat Wangwongwatana cho biết.
Từng là Cục trưởng Cục Kiểm soát ô nhiễm (PCD) thuộc Bộ Tài nguyên - Môi trường Thái Lan, ông Supat là một trong số những người đi tiên phong trong cuộc cách mạng chống lại tình trạng tỷ lệ ô nhiễm không khí leo thang trong thập niên 1990, theo Reuters.
“Công nghệ đầu tiên chúng tôi áp dụng để giảm khí thải độc hại từ phương tiện giao thông là bộ chuyển đổi xúc tác, rồi đến sản xuất nhiên liệu sạch”, chuyên gia Supat cho hay. Bộ chuyển đổi xúc tác được gắn vào ống pô giúp chuyển hóa khí độc và chất ô nhiễm trong khói thải thành chất ít độc hại hơn. PCD lúc bấy giờ còn áp dụng quy định dùng xăng không chì, kiểm soát khí thải dựa theo tiêu chuẩn châu Âu, bất chấp sự phản đối từ các nhà máy lọc dầu và hãng sản xuất xe.
“Mật độ lưu huỳnh trong dầu diesel và xăng trong đầu thập niên 1990 là 10.000 ppm (1%). Ngày nay, mật độ này dưới 50 ppm (0,005%)”, ông Supat nói về thành quả Bangkok đạt được. Lưu huỳnh là thành tố tự nhiên trong dầu thô gây ô nhiễm không khí. Bên cạnh đó, taxi giờ đây chạy bằng khí hóa lỏng sạch và xe máy không còn xả khói đen mù mịt.
Các chuyên gia nhận định những nỗ lực này đã giúp Bangkok tránh được nhiều vấn đề mà các siêu đô thị như Bắc Kinh (Trung Quốc) hay New Delhi (Ấn Độ) đang phải đối mặt. Tỷ lệ ô nhiễm không khí ở một số siêu đô thị trên thế giới nghiêm trọng đến mức người dân khỏe mạnh có thể đổ bệnh chỉ vì ra ngoài đường.

Đa số khu vực trung tâm Bangkok hiện nằm trong mức an toàn theo tiêu chuẩn Chỉ số chất lượng không khí (AQI) của Thái Lan. Tuy nhiên, lượng bụi PM2,5 (các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 micromet) trong không khí Bangkok vẫn vượt ngưỡng của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) 2,4 lần. "PM2,5 đi thẳng vào mạch máu và gây ra nhiều chứng bệnh kinh niên. Nếu không đưa PM2,5 vào tiêu chí đánh giá AQI, chúng ta không thể có bức tranh toàn diện”, Giám đốc Tara Buakamsri phụ trách khu vực Đông Nam Á của Tổ chức Greenpeace (Hòa bình xanh) lưu ý.
Siết chặt kiểm soát khí thải
Với dân số 9 triệu người, Bangkok không có khói mù ô nhiễm dù số lượng phương tiện giao thông tăng hằng năm, các chuyên gia đánh giá. Trong 4 tháng đầu năm 2017, có 300.000 phương tiện mới được đăng ký, bao gồm xe hơi và xe máy, nâng tổng số lên gần 9,5 triệu. Tình trạng kẹt xe ở Bangkok đứng hàng thứ hai trên thế giới sau Mexico City, theo chỉ số giao thông toàn cầu của Công ty TomTom (Hà Lan), nhưng Bangkok vẫn góp mặt trong danh sách top 5 địa điểm du lịch phổ biến nhất thế giới nhờ vào chất lượng không khí, theo báo cáo của công ty chuyên về du lịch Anh APH. Tuy nhiên, giới chuyên gia cảnh báo thành phố này có thể tiếp tục đối mặt với ô nhiễm không khí do người dân chuộng phương tiện cá nhân. “Số lượng xe cộ gia tăng dẫn đến tình trạng kẹt xe nghiêm trọng ở Bangkok, góp thêm lượng khí thải. Đây là một thách thức lớn”, cựu Thị trưởng Bangkok - ông Bhichit Rattakul cho biết. Ông Bhichit từng sáng lập một tổ chức chống ô nhiễm không khí cách đây 10 năm khi đắc cử thị trưởng vào năm 1996.
Không ngừng phòng chống ô nhiễm không khí, PCD vừa đạt được thỏa thuận sơ bộ về áp đặt chuẩn Euro 5 của châu Âu (giới hạn chất ô nhiễm trong nhiên liệu và khí thải xe) theo lộ trình vào năm 2030 với nhà máy lọc dầu và đến năm 2024 với phương tiện giao thông. Bangkok dùng chuẩn Euro 4 kể từ năm 2012, trong khi Liên minh Châu Âu (EU) áp dụng mức cao nhất Euro 6 từ năm 2014.
Các nước Đông Nam Á có thể học hỏi kinh nghiệm từ Bangkok, nhưng “giải pháp ống pô” vẫn chưa đủ về lâu dài do nó chỉ xử lý vấn đề trên từng phương tiện lưu thông, theo bà Glynda Bathan-Baterina, Phó giám đốc Tổ chức phi chính phủ Clean Air Asia (Không khí sạch châu Á). “Chúng ta cần tăng cường hệ thống giao thông công cộng, khuyến khích người dân bỏ phương tiện cá nhân tại nhà”, bà Glynda đề xuất. Chính quyền Bangkok có kế hoạch xây thêm 12 tuyến tàu điện ngầm, dự kiến đến năm 2029 mới hoàn thành. Giải pháp khác như xe hơi điện vẫn chưa khả thi ở Thái Lan do thiếu cơ sở hạ tầng, cụ thể là trạm sạc pin.
Hiện là cố vấn cho PCD, ông Bhichit kêu gọi chính quyền Bangkok phải kiên quyết thực thi lộ trình đề ra. Lúc còn giữ chức thị trưởng Bangkok (1996 - 2000), ông chứng kiến tình trạng ô nhiễm không khí nghiêm trọng đến mức phải đặt biển cảnh báo người dân tránh xa đường Silom ở trung tâm thành phố vào buổi trưa, và tiến hành hàng loạt chiến dịch truy quét phương tiện có khí thải vượt ngưỡng cho phép. “Nhiều người bất bình lái xe đến trước nhà tôi, nhấn còi xe inh ỏi mỗi buổi sáng. Các hãng xe cũng làm ầm ĩ. Nhưng chính quyền quyết không nhân nhượng”, ông Bhichit nhớ lại.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.