Nghiên cứu được công bố trên Kỷ yếu Viện hàn lâm khoa học quốc gia (PNAS), đã xem xét những tác động của ô nhiễm chì đối với sức khỏe con người xảy ra trong thời kỳ cực thịnh của đế chế La Mã kéo dài khoảng 200 năm, bắt đầu vào khoảng năm 27 trước công nguyên.
Theo Đài Euronews ngày 8.1, các nhà nghiên cứu đã kiểm tra hồ sơ của 3 mẫu lõi băng được thu thập từ Bắc Cực để xác định mức độ ô nhiễm chì với độ chính xác cao.
"Chúng tôi đã thực hiện các phép đo vật lý về ô nhiễm chì, sử dụng mô hình khí quyển để xác định nồng độ chì như thế nào ở châu Âu cách đây 2.000 năm, sau đó sử dụng các mối tương quan dịch tễ học hiện đại này để liên kết ô nhiễm không khí với nồng độ chì trong máu ở trẻ em", giáo sư Joe McConnell, người dẫn đầu nghiên cứu trên, cho biết.
Theo nghiên cứu, hơn 500 kiloton chì đã được thải vào khí quyển trong thời kỳ La Mã cực thịnh do các hoạt động khai thác. Các nhà khoa học đã kết hợp những phép đo đạc trên với nghiên cứu hiện đại về mức độ chì và suy giảm nhận thức để xác định tình trạng giảm IQ, từ đó rút ra được mức độ phơi nhiễm chì vào thời La Mã đủ để giảm chỉ số IQ từ 2,5 - 3 điểm, với những người ở gần khu mỏ sẽ chịu ảnh hưởng lớn hơn.
Các nhà khoa học nói rằng nghiên cứu trên nhằm tăng hiểu biết về mức độ nghiêm trọng của tình trạng ngộ độc chì trong bối cảnh ô nhiễm không khí. Nhóm cũng đã xem xét và chỉ tính yếu tố hít trực tiếp chì trong không khí, không phải từ đất, cây trồng và nước.
“Giảm 2,5 - 3 điểm IQ có thể nghe không lớn nhưng xét trên quy mô toàn bộ dân số thì đây là vấn đề đáng lưu tâm”, ông McConnell nói.
Trẻ em 2.000 năm trước vẽ bậy gì lên tường?
Ngoài ô nhiễm không khí, con người còn tiếp xúc với chì theo nhiều cách khác nữa thông qua đồ dùng, sơn và mỹ phẩm. Ngày nay, tiếp xúc với chì được biết là đặc biệt có hại đối với trẻ nhỏ và phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết phơi nhiễm chì dù với mức độ thấp cũng có thể ảnh hưởng đến sự phát triển não bộ.
Bình luận (0)