Nỗ lực chống tin thất thiệt ở Đông Nam Á

31/03/2017 10:00 GMT+7

Các nước ASEAN đang tham gia cuộc chiến toàn cầu chống tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội khiến nhiều người hoang mang.

Từ trang SnopesPolitiFact ở Mỹ cho đến các website xác minh thông tin do chính phủ Malaysia và Singapore lập ra, tất cả hiện trở thành công cụ không thể thiếu kể từ khi nạn tin tức giả bùng phát trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ vào năm 2016 và ở Đông Nam Á.
Lực lượng tiên phong
Giới chuyên gia nhận định các công ty tư nhân và tổ chức độc lập/phi chính phủ nên đứng đầu cuộc chiến toàn cầu chống “tin vịt” do họ sẽ khách quan hơn chính phủ, theo tờ South China Morning Post (Hồng Kông). Các nhà nghiên cứu cho rằng mặc dù người dân có thể ủng hộ dạng website kiểm tra “tin vịt” do chính phủ lập ra như ở Malaysia, nhưng lo ngại chúng được dùng cho cuộc đấu đá chính trị.
Gần đây, người dân Malaysia hoang mang vì tin tức giả rằng họ sắp hứng chịu đợt nắng nóng chết người hay hàng loạt công dân nước này bị thảm sát ở Triều Tiên cùng các vụ bê bối chính trị, theo tờ The Star (Malaysia). Vì thế, chính phủ Malaysia trong tuần này ra mắt website sebenarnya.my để công chúng kiểm tra tính xác thực của thông tin. Trang này cũng đăng tải hàng loạt bài viết bác bỏ tin giả mạo.
Trước đó, tờ New Straits Times (Malaysia) dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak hồi cuối tháng 2 cảnh báo hậu quả khó lường từ tin tức giả “lan truyền trên mạng xã hội và do các lãnh đạo chính trị tung ra” nhằm lật đổ chính phủ và hủy hoại đất nước. Trong bối cảnh ông Najib đang bị cáo buộc tham nhũng liên quan đến Quỹ đầu tư quốc gia 1MDB, nhiều người Malaysia sẽ nghĩ rằng trang Sebenarnya chỉ là công cụ tuyên truyền cho liên minh đảng cầm quyền, theo chuyên gia về Đông Nam Á thuộc Đại học Tasmania (Úc), ông James Chin.
Ở Singapore, chính phủ cũng đã lập website xác thực thông tin Factually từ năm 2012. Khi được chất vấn về Factually trong phiên họp quốc hội đầu tháng 3, Bộ trưởng Thông tin Singapore, ông Yaacob Ibrahim nhấn mạnh nó “chỉ cung cấp sự thật, không đưa ra nhận định hay ý kiến”, đồng thời bác bỏ tin đồn gây bất ổn xã hội.
Giáo sư Ang Peng Hwa thuộc Đại học Công nghệ Nanyang (Singapore) lưu ý nếu thực hiện đúng mục tiêu “vì sự thật” thì website của chính phủ, tư nhân, truyền thông chính thống đều giống nhau. Tuy nhiên, các website này không thể là “liều thuốc hữu hiệu” để trị “tin vịt” rất tai hại.
Một số quốc gia Đông Nam Á thậm chí còn lập ra cơ quan đặc trách về tin đồn. Chẳng hạn, Cơ quan An ninh mạng Indonesia sắp chính thức đi vào hoạt động trong năm nay sẽ bao gồm đơn vị phòng chống tin tức giả trên internet, theo tờ The Jakarta Post (Indonesia).

tin liên quan

Thủ tướng Malaysia cảnh báo về 'tin vịt'
Tờ New Straits Times dẫn lời Thủ tướng Malaysia Najib Razak cảnh báo hậu quả khó lường từ tin tức giả “lan truyền trên mạng xã hội và do các cựu quan chức tung ra” nhằm lật đổ chính phủ và hủy hoại đất nước. 
Thiếu “thông hiểu truyền thông”
Các chuyên gia xác định hai nguyên nhân chính khiến nhiều người tin vào tin tức giả trên internet là tỷ lệ “thông hiểu truyền thông” còn thấp và sự lan tràn của tin tức trên mạng xã hội. “Thông hiểu truyền thông” là thuật ngữ chỉ kỹ năng tiếp cận, đánh giá, phân tích để hiểu rõ thông tin từ báo đài và mạng xã hội.
“Ở Indonesia, có rất nhiều người chỉ tiếp nhận thông tin theo quan điểm riêng của họ mà không cần phải kiểm tra độ xác thực, nhất là về chính trị”, bà Rahimah Abdulrahim, Giám đốc Tổ chức phi lợi nhuận trung tâm Habibie, nói với tờ Tempo (Indonesia).
Tin đồn ở Indonesia và Malaysia được phát tán trên các ứng dụng điện thoại như WhatsApp và Telegram nhiều hơn mạng xã hội. “Những ứng dụng này giúp truyền tin đi nhanh hơn Facebook, Twitter bởi mọi người chỉ chuyển tiếp mà không phải suy nghĩ. Nhiều người nghĩ rằng chẳng có lợi ích gì khi phải vào website kiểm tra xem thông tin có thật hay không”, chuyên gia Chin lưu ý.
Indonesia, một trong số những đối tác thương mại lớn của Trung Quốc ở Đông Nam Á, chật vật vì hàng loạt tin đồn chống Bắc Kinh trong những tháng gần đây. Hồi tháng 12.2016, chính phủ Indonesia phải lên tiếng bác bỏ tin đồn trên mạng xã hội cho rằng Trung Quốc dùng “vũ khí hóa học” gây bất ổn ngành nông nghiệp.
Bà Abdulrahim đang phối hợp với nhiều tổ chức phi chính phủ khác nhằm nâng cao trình độ “thông hiểu truyền thông” ở Indonesia, nơi có khoảng 40% dân số (260 triệu người) kết nối với internet. Một tổ chức phi chính phủ ở Singapore cũng đang tiến hành chiến dịch “Better Internet”, tổ chức hội thảo, lập website cung cấp tài liệu hướng dẫn giúp giới trẻ phân biệt giữa sự thật và chuyện bịa đặt.
“Dù với ý định tốt, nhưng chính phủ không thể độc lập, khách quan. Cuộc chiến chống tin vịt phải do các công ty tư nhân, tổ chức dân sự dẫn đầu”, ông Charlie Beckett, Giám đốc Viện Nghiên cứu truyền thông thuộc Trường Kinh tế và Khoa học chính trị London (Anh), nhận định.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.