Tin tức giả về thực phẩm làm rối người Trung Quốc

30/03/2017 10:19 GMT+7

Người dân và doanh nghiệp Trung Quốc đang điêu đứng vì tình trạng tràn lan “tin vịt” về thực phẩm bẩn.

Thời gian qua, vệ sinh an toàn thực phẩm và tin tức giả phát tán trên internet là những vấn đề gây đau đầu giới hữu trách nhiều nước. Ở Trung Quốc hiện nay, tình hình còn nghiêm trọng hơn khi “tin vịt” kết hợp với sự lo ngại của dư luận về thực phẩm bẩn đang khiến doanh nghiệp điêu đứng, còn người tiêu dùng không biết tin vào đâu.
Tờ Nhân Dân nhật báo dẫn kết quả nghiên cứu của Đại học Trung Sơn cho thấy khoảng 15% số tin tức giả được đọc nhiều nhất trên ứng dụng WeChat của Trung Quốc có liên quan đến vấn đề thực phẩm. Trong đó, có những thông tin “rùng rợn” rất dễ phát tán tràn lan như rong biển làm bằng nhựa và nho không hạt nhờ phun thuốc ngừa thai.
“Tại sao người ta có thể tin rong biển làm bằng nhựa?”, đó là câu hỏi ám ảnh doanh nhân Trịnh Hoa Thanh hơn 1 tháng qua. Hồi giữa tháng 2, một khách hàng gửi cho ông Trịnh đoạn phim cho thấy rong biển mang thương hiệu của công ty ông “dai nhách, kéo không đứt như nhựa”.
Là chủ doanh nghiệp chế biến rong biển lớn đã hoạt động gần 20 năm qua ở thị xã Tấn Giang, tỉnh Phúc Kiến, ông Trịnh không hề để ý đến đoạn phim. Không ngờ, chỉ vài ngày sau, những hình ảnh này được “hô biến” thành 20 phiên bản khác nhau, thu hút hơn 2 triệu lượt xem từ mạng xã hội Weibo. Đoạn phim khiến giá bán sỉ rong biển giảm hơn 50% ở Tấn Giang, nơi cung cấp 70% rong biển trên toàn Trung Quốc.
Để làm rõ thực hư, Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Trung Quốc đã tổ chức họp báo và hội thảo bác bỏ thông tin “rong biển nhựa”. Trong đoạn phim, một người nhúng miếng rong biển khô vào nước rồi kéo dãn ra để cho thấy nó không đứt. “Sự thật là rong biển nếu cho vào nước lạnh hay không đủ độ ấm sẽ rất dai và không thể xé rời”, chuyên gia Nguyễn Quang Phong thuộc Trung tâm nghiên cứu thực phẩm Trung Quốc cho biết.
Dù vậy, hơn 1 tháng đã trôi qua nhưng tình hình kinh doanh rong biển tại Tấn Giang vẫn chưa được cải thiện. Thậm chí một số doanh nghiệp còn nhận thư tống tiền với lời đe dọa sẽ có thêm nhiều đoạn phim khác được tung lên mạng.
Đây là ví dụ điển hình cho tình trạng “tin vịt” xuất hiện tràn lan ở Trung Quốc, nơi thường xảy ra nhiều vụ bê bối vệ sinh an toàn thực phẩm thời gian qua. Chúng không chỉ gây thêm hoang mang cho người tiêu dùng mà còn đe dọa các doanh nghiệp chân chính. Năm 2016, nông dân nuôi tôm hùm đất nước này cũng thua lỗ nặng vì bài viết bịa đặt từ WeChat, thu hút trên 54 triệu lượt xem, tôm nhiễm ký sinh trùng gây chết người.
Chính phủ cùng các hiệp hội chăn nuôi đã tổ chức hội thảo bác bỏ thông tin này nhưng người dân vẫn không dám ăn tôm trong một thời gian, theo Nhân Dân nhật báo. “Bất kỳ thông tin liên quan đến sức khỏe và an ninh đều gây sự chú ý với cộng đồng. Đây là điều tự nhiên, nhưng vì có quá nhiều vụ bê bối an toàn vệ sinh thực phẩm ở Trung Quốc, nên tin tức giả về vấn đề này sẽ lan tỏa nhanh hơn”, bà Chu Ánh, Trưởng khoa Báo chí Đại học Ngoại giao Quảng Đông, nhận định.
Đến nay, dù đã rất nỗ lực nhưng các cơ quan hữu trách, giới chuyên gia và doanh nghiệp vẫn chưa thể khiến người dân quay lưng với “tin vịt”. Ngoại trừ tốc độ lan truyền quá nhanh trên mạng xã hội thì một lý do lớn khác là lòng tin của dư luận bị tổn hại nặng nề sau nhiều bê bối thực phẩm độc hại chấn động, theo bài xã luận đăng trên tờ Thanh Niên Bắc Kinh, cơ quan ngôn luận của Thành đoàn Bắc Kinh. Vì thế, muốn ngăn chặn “tin vịt”, ngoài mạnh tay xử lý những kẻ tung tin còn phải siết chặt vệ sinh an toàn thực phẩm, bảo đảm an toàn tối đa để khôi phục niềm tin, giúp người tiêu dùng tỉnh táo hơn trước thế giới mạng tràn ngập thông tin.
“Trước đây, tôi chỉ biết bán rong biển nhưng giờ thì đã ngộ ra rằng tăng cường ý thức cộng đồng về tin đồn và xây dựng niềm tin là quan trọng hơn”, doanh nhân Trịnh Hoa Thanh ở Tấn Giang nói với trang tin Quartz.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.