Nỗi lo ứng dụng điện thoại 'gián điệp'

27/12/2019 08:16 GMT+7

Chính phủ và quân đội Mỹ lo ngại các ứng dụng tin nhắn và chia sẻ video thịnh hành trở thành công cụ do thám của tình báo nước ngoài.

Sau khi Hải quân Mỹ cấm binh sĩ cài đặt và sử dụng ứng dụng (app) TikTok của Trung Quốc, Hãng Apple và Google hồi đầu tuần này đã loại bỏ ứng dụng ToTok (Các tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất, UAE) vì lo ngại đó là công cụ do thám. Hãng Apple xác nhận ToTok đã bị xóa khỏi App Store trong lúc chờ đánh giá và Google thông báo Play Store gỡ ứng dụng này “vì vấn đề liên quan chính sách”, theo AFP.

Công cụ để thu thập thông tin

TikTok của Công ty ByteDance (trụ sở ở Bắc Kinh) thu hút nhiều thanh thiếu niên sử dụng, với hơn 110 triệu lượt tải ở Mỹ. Công ty này nhiều lần bác bỏ cáo buộc cho rằng dữ liệu người dùng TikTok được thu thập để chuyển cho chính quyền Trung Quốc
Động thái này diễn ra sau khi tờ The New York Times đưa tin ToTok giúp chính phủ UAE theo dõi các cuộc trò chuyện và thu thập thông tin cá nhân người dùng. Tờ báo cho rằng ToTok thu hút hàng triệu người dùng ở UAE và khu vực lân cận nhờ được thiết kế, quảng cáo là phương tiện dễ sử dụng và an toàn để gửi tin nhắn, video miễn phí tại những quốc gia cấm ứng dụng phổ biến tương tự như Skype và WhatsApp.
Liên quan vụ việc, các quan chức tình báo Mỹ và chuyên gia an ninh mạng xác định chính phủ UAE sử dụng ToTok để tiến hành “chương trình do thám quy mô lớn”. Tờ The New York Times dẫn lời chuyên gia an ninh Patrick Wardle cho rằng ToTok mới ra mắt trong năm nay, đã bắt người dùng trao quyền truy cập vào vị trí và dữ liệu cá nhân trên điện thoại của họ. Bên cạnh đó, công ty phát triển ToTok là Breej Holding vốn có mối liên hệ mật thiết với DarkMatter, một công ty chuyên về phản gián và tấn công mạng có trụ sở tại Abu Dhabi, thủ đô của UAE. Tuy nhiên, Breej Holding đã phát đi thông báo bác bỏ mọi cáo buộc, khẳng định ToTok bị Apple và Google loại khỏi kho ứng dụng là “do vấn đề kỹ thuật”.

[VIDEO] Cựu tin tặc tình báo Mỹ làm việc cho chiến dịch gián điệp chống đồng minh của Mỹ

Cấm sử dụng TikTok

Trước đó, ngày 17.12, Hải quân Mỹ thông báo cấm sử dụng ứng dụng TikTok trên tất cả thiết bị di động do chính phủ cung cấp với lý do app này là “mối đe dọa an ninh mạng”. Hải quân Mỹ đồng thời cảnh báo nếu binh sĩ không xóa TikTok khỏi thiết bị di động của chính phủ thì sẽ bị chặn và không được phép truy cập vào mạng nội bộ.
Hải quân Mỹ không nêu cụ thể “mối đe dọa an ninh mạng” là gì. Tuy nhiên, người phát ngôn Lầu Năm Góc Uriah Orland cho biết lệnh cấm TikTok được ban hành nhằm ngăn chặn “các mối đe dọa hiện hữu và tiềm tàng”. Dù vậy, các binh sĩ Mỹ vẫn có thể sử dụng các ứng dụng mạng xã hội như TikTok trên thiết bị di động cá nhân.
Hồi tháng 10, hai thượng nghị sĩ Mỹ đã gửi thư yêu cầu các cơ quan tình báo tiến hành điều tra nhằm xác định “mối đe dọa phản gián” từ TikTok, theo Reuters. Trong bức thư, thượng nghị sĩ Chuck Schumer và Tom Cotton bày tỏ lo ngại trước nguy cơ Trung Quốc thu thập dữ liệu cá nhân và kiểm duyệt nội dung đối với người dùng TikTok ở Mỹ.
Hai thượng nghị sĩ đồng thời cảnh báo TikTok có thể được dùng làm công cụ phục vụ chiến dịch gây ảnh hưởng của nước ngoài tương tự như trong cuộc bầu cử tổng thống năm 2016. Tuy nhiên, lúc bấy giờ, nước ngoài can dự vào cuộc bầu cử bằng cách dùng các nền tảng mạng xã hội như Facebook, vốn có trụ sở tại Mỹ.
Chính phủ Mỹ vào tháng 11 đã mở cuộc điều tra nhằm đánh giá mối đe dọa an ninh quốc gia từ ByteDance sau khi công ty này thâu tóm ứng dụng mạng xã hội Mỹ Musical.ly với giá 1 tỉ USD. Reuters dẫn lời các nguồn tin tiết lộ Ủy ban Về đầu tư nước ngoài vào Mỹ đã bắt đầu xem xét thỏa thuận giữa Musical.ly và ByteDance.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.