Hôm 15.9, các nhà lãnh đạo Úc, Mỹ và Anh thông báo lập liên minh tay ba mới sẽ tập trung hỗ trợ Úc đóng tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân. Tuy nhiên, Pháp lại không có mặt trong liên minh mới, và tập đoàn quốc phòng Naval Group của nước này cũng mất luôn hợp đồng hàng chục tỉ USD để đóng 12 tàu ngầm điện-diesel lớp Attack cho Úc.
Thủ tướng Úc Scott Morrison khẳng định ông đã cố gắng gọi cho Tổng thống Pháp Emmanuel Macron trước khi thông báo trên được đưa ra, nhưng Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian nói rằng Canberra chỉ thông tin cho Paris khoảng một giờ trước khi ông Morrison tham gia cuộc họp trực tuyến với Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Anh Boris Johnson để thông báo thỏa thuận mới, theo Đài ABC News (Úc) hôm nay 22.9.
Theo phát biểu mới đây của phát ngôn viên Bộ Quốc phòng Pháp Herve Grandjean dành cho đài ABC, chỉ vài giờ trước khi liên minh Mỹ-Anh-Úc được công bố, Úc vẫn còn đảm bảo Pháp rằng chương trình đóng tàu ngầm vẫn diễn ra theo kế hoạch. “Chúng tôi đã nhận một văn bản từ Bộ Quốc phòng Úc, nói rằng họ hài lòng với tiến độ của dự án và khả năng hoạt động của tàu ngầm, đồng nghĩa chúng tôi có thể tiến hành giai đoạn phát triển tàu ngầm kế tiếp”, ông Grandjean cho biết.
“Chúng tôi rất bất ngờ với thông báo [về liên minh an ninh], vốn không giống với nội dung trong văn bản chúng tôi đã nhận. Vì thế, chúng tôi thấy có trò lá mặt lá trái. Chúng tôi thấy mình bị lừa”, ông Grandjean nói với ABC. Ông Grandjean còn nói rằng trong cuộc gặp giữa ngoại trưởng hai nước hồi tháng 8, không có dấu hiệu cho thấy hợp đồng đóng tàu ngầm gặp nguy cơ.
Phía Úc chưa giải thích lý do rút lại thỏa thuận đóng tàu ngầm với Pháp, nhưng quan chức cấp cao thuộc Bộ Quốc phòng Úc Greg Moriarty tiết lộ trong cuộc điều trần ở thượng viện hồi tháng 6 rằng nhiều giải pháp thay thế đã được xem xét do có sự chậm trễ trong chương trình đóng tàu ngầm và chi phí bị đội lên.Ngoài ra, Reuters ngày 21.9 dẫn lời một số chính trị gia Úc cho rằng Pháp đáng lẽ không nên ngạc nhiên về việc thỏa thuận đóng tàu ngầm bị hủy vì Úc đã nêu ra nhiều quan ngại về tiến độ chậm trễ, chi phí gia tăng và tính phù hợp một cách chính thức và công khai trong nhiều năm.
Trong khi đó, ông Grandjean khẳng định Pháp có lịch sử đóng tàu ngầm đầy tự hào và những vấn đề phát sinh trong mỗi giai đoạn của quá trình thực hiện hợp đồng đã được giải quyết.
Ông cho rằng thỏa thuận lập liên minh Mỹ-Anh-Úc là “tin xấu” cho Úc và thay vì nhận tàu ngầm do Pháp đóng vào năm 2030, Úc có thể phải chờ tới năm 2040 mới nhận được tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.
Bình luận (0)