Phương pháp điều trị mới ngăn chặn biến chủng SARS-CoV-2 nguy hiểm

05/08/2021 13:30 GMT+7

Các nhà khoa học Đức đã phát triển loại kháng thể siêu nhỏ từ lạc đà Alpaca, được cho là ngăn chặn hiệu quả SARS-CoV-2 và các biển chủng nguy hiểm khác gây Covid -19.

Các nhà khoa học tại Viện hóa lý sinh Max Planck (MPI) tại thành phố Gottingen (Đức) và Trung tâm y tế Đại học Gottingen (UMG) đã phát triển loại kháng thể siêu nhỏ (còn gọi là kháng thể VHH hay nanobody), mang toàn bộ những đặc tính cần thiết cho một loại thuốc tiềm năng chống Covid-19.
Các nanobody được phát triển nhằm bám vào miền kết nối thụ thể của virus Corona và ngăn chặn nó xâm nhập tế bào. Theo trang SciTech Daily ngày 4.8, loại nanobody mới phát triển có khả năng bám chắc hơn 1.000 lần so với các loại kháng thể siêu nhỏ được phát triển trước đây.

Kháng thể siêu nhỏ từ lạc đà giúp ngăn chặn hiệu quả virus gây Covid-19

Các nhà nghiên cứu còn tạo ra các biến thể nanobody đôi hoặc ba, giúp tăng khả năng lên kết lên hàng chục ngàn lần và khó bị bài tiết khỏi cơ thể.
Ngoài ra, các nhà khoa học phát hiện chỉ cần một lượng rất nhỏ nanobody là đủ để ngăn chặn mầm bệnh. Do đó, nếu được sử dụng như một loại thuốc, nó sẽ giúp giảm liều lượng, giảm chi phí sản xuất và giảm tác dụng phụ.
Giáo sư Matthias Dobbelstein, Giám đốc Viện Ung thư phân tử thuộc UMG và là thành viên nhóm nghiên cứu, cho biết loại nanobody mới nhỏ và có thể phù hợp cho việc xịt vào mũi, do đó vô hiệu hóa trực tiếp virus trong đường hô hấp. Nhờ kích thước siêu nhỏ, chúng có thể dễ dàng xâm nhập vào các mô và ngăn chặn virus lây lan thêm.
Mặt khác, ông Dobbelstein cho hay loại nanobody mới có thể chịu nhiệt độ lên đến 95 độ C mà không suy giảm chức năng hay kết tụ lại, do đó có thể tồn tại lâu trong cơ thể mà vẫn hiệu quả. Ngoài ra, khả năng chịu nhiệt tốt còn giúp dễ sản xuất, phân phối và bảo quản.
Bên cạnh đó, các nanobody cũng hoạt động rất tốt đối với các biến chủng Alpha, Beta, Gamma và Delta. Các nhà nghiên cứu đã tiêm vào những con lạc đà Alpaca một phần protein gai của chủng SARS-CoV-2 đầu tiên nhưng hệ miễn dịch của con vật vẫn sản sinh kháng thể chống lại được các biến chủng khác của virus. Nhà khoa học Thomas Guttler tham gia dự án nghiên cứu giải thích nếu các nanobody không ngăn được biến chủng tương lai, họ có thể tái tiêm chủng cho những con Alpaca để lấy kháng thể. “Vì chúng đã được tiêm vắc xin rồi nên sẽ nhanh chóng sản xuất kháng thể chống biến chủng mới”, ông Guttler quả quyết.

Nhật Bản cấp phép thuốc điều trị Covid-19 Ronapreve giảm đến 70% nguy cơ nhập viện, tử vong

Các nhà khoa học đang chuẩn bị nanobody để sử dụng làm phương pháp điều trị cho những bệnh nhân Covid-19 nặng, người chưa tiêm vắc xin hoặc không thể hình thành miễn dịch hiệu quả.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.