Những “lằn ranh đỏ”
Trong bài bình luận đăng trên báo Nikkei Asia mới đây, ông Stavridis cho rằng có hàng loạt “lằn ranh đỏ” mà Mỹ sẽ phải đối phó bằng quân sự. Đó là bất kỳ hành động của Trung Quốc liên quan vũ khí hóa học, sinh học hoặc hạt nhân nhắm vào Mỹ và bất kỳ cuộc tấn công nào của Trung Quốc chống Đài Loan hoặc các đảo xa bờ thuộc vùng lãnh thổ này, bao gồm phong tỏa kinh tế hoặc tấn công mạng nhắm vào cơ sở hạ tầng và tổ chức công của Đài Loan.
Những “lằn ranh đỏ” nói trên còn là bất kỳ cuộc tấn công của Trung Quốc chống Lực lượng phòng vệ Nhật Bản khi họ bảo vệ quần đảo tranh chấp Senkaku/Điếu Ngư và vùng đặc quyền kinh tế xung quanh ở biển Hoa Đông; bất kỳ hành động thù địch nghiêm trọng của Trung Quốc ở Biển Đông nhằm bồi đắp và quân sự hóa các thực thể để triển khai lực lượng chống lại những bên tranh chấp khác, hoặc cản trở hoạt động duy trì tự do hàng hải của Mỹ và các nước đồng minh; và bất kỳ cuộc tấn công của Trung Quốc chống lại lãnh thổ có chủ quyền hoặc tài sản quân sự của các đồng minh mà Mỹ có ký hiệp ước phòng thủ.
Đô đốc James Stavridis giữ chức Chỉ huy liên minh tối cao thứ 16 của NATO và Chỉ huy Bộ Tư lệnh châu Âu của Mỹ trong thời gian từ năm 2009-2013 sau khi chỉ huy Bộ Tư lệnh miền nam của Mỹ từ năm 2006-2009, theo trang Cvent.com. Sau khi nghỉ hưu vào năm 2013, ông Stavridis trở thành hiệu trưởng của Trường Luật và Ngoại giao thuộc Đại học Tufts (2013-2018).
|
Cũng theo ông Stavridis, tại những tổng hành dinh của quân đội Mỹ ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, các đội phụ trách chiến thuật, chiến dịch và chiến lược đang tập hợp các biện pháp mới cho việc triển khai lực lượng Mỹ để ứng phó Trung Quốc. Những lựa chọn mới này sẽ được gửi trở về Lầu Năm Góc như là một phần của việc “xem xét lá chắn tổng thể” do Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin thực hiện.
"Cuộc chiến tranh du kích từ biển"
Trong số những lựa chọn trên có một lựa chọn là nâng cao vai trò của Quân đoàn thủy quân lục chiến Mỹ trong chiến lược đối phó Trung Quốc. Theo đó, thủy quân lục chiến Mỹ sẽ là lực lượng hoạt động dựa vào biển, có khả năng tấn công ở Biển Đông, xâm nhập dễ dàng các chuỗi đảo Trung Quốc dựa vào để phòng thủ. Một khi vào được bên trong, họ sẽ dùng máy bay không người lái có vũ trang, tên lửa phòng không và thậm chí vũ khí tiêu diệt tàu để tấn công các lực lượng trên biển của Trung Quốc và cả các căn cứ trên bộ của nước này. “Các đảo nhân tạo bị Trung Quốc quân sự hóa ở Biển Đông sẽ trở thành những “mục tiêu thú vị”. Về cơ bản, đây sẽ là cuộc chiến tranh du kích từ biển”, ông Stavridis viết.
|
Ngoài ra, hải quân Mỹ có kế hoạch tiến hành các cuộc tuần tra mạnh bạo hơn trong các vùng biển xung quanh Trung Quốc và dần dần có thể thu hút tàu chiến của các nước đồng minh tham gia. Hoạt động này sẽ giúp quốc tế hóa việc đẩy lùi tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung Quốc đối với Biển Đông. Đáng chú ý là Lầu Năm Góc đang hy vọng Anh, Pháp và các đồng minh khác thuộc NATO tham gia nỗ lực duy trì tự do hàng hải ở khu vực.
Thực ra, các bộ trưởng quốc phòng trong NATO trong thời gian gần đây có tham dự các cuộc tham vấn về vai trò của khối trong việc đối diện khả năng quân sự ngày càng tăng của Trung Quốc. Dần dần, Mỹ muốn thuyết phục được Úc, New Zealand, Ấn Độ, Nhật Bản, Hàn Quốc và Singapore tham gia hoạt động duy trì tự do hàng hải. Kế hoạch bố trí chiến lược trên biển nói chung của Mỹ là dựa vào việc tạo ra một liên minh biển toàn cầu để đối đầu với các lực lượng có năng lực cao của quân đội Trung Quốc (PLA), theo ông Stavridis.
“Sẵn sàng cho cuộc xung đột với Trung Quốc”
Cũng trong bài viết, ông Stavridis cho rằng không quân Mỹ sẽ có thể điều thêm oanh tạc cơ, chiến đấu cơ có khả năng tấn công trên bộ tầm xa đến các căn cứ ở Thái Bình Dương được bố trí khắp châu Á, kể cả những vị trí hẻo lánh trên những đảo nhỏ. Những căn cứ nhỏ sẽ được hỗ trợ từ những căn cứ lớn hơn ở đảo Guam, Nhật, Úc và Hàn Quốc. Khái niệm này, được gọi là Sử dụng tác chiến nhanh chóng, bổ sung mức độ cơ động cao cho sức mạnh tác chiến mang tính tập trung hiện nay của các chiến đấu cơ Mỹ được triển khai trong khu vực.
|
Cuối cùng, lục quân Mỹ sẽ gia tăng cả năng lực tác chiến lẫn khả năng cơ động để triển khai các đơn vị đến tiền phương, nâng cao các khả năng ở Hàn Quốc và Nhật, nhưng có thể dễ dàng điều động binh sĩ, khí tài đến những đảo nhỏ hơn trong khu vực. Cả lục quân và không quân cũng có thể hướng tới huấn luyện và tập trận với Đài Loan.
“Từ tất cả những kế hoạch như trên, rõ ràng quân đội Mỹ dường như đang tăng cường hiện diện và khả năng tác chiến ở Tây Thái Bình Dương và đặt trong tình trạng sẵn sàng cho một cuộc xung đột với Trung Quốc trong vài thập niên tới”, ông Stavridis nhận định.
Bình luận (0)