Quân đội Mỹ đối phó nguy cơ bị tấn công bằng xung điện từ

15/03/2021 17:12 GMT+7

Căn cứ không quân Mỹ ở bang Texas đang triển khai những bước đầu tiên nhằm đối phó nguy cơ bị tấn công bằng xung điện từ (EMP). Thế nhưng EMP là gì và mang đến mối đe dọa lớn đến mức nào?

Quân đội Mỹ đang chuẩn bị đối phó một dạng vũ khí vô cùng nguy hiểm, có khả năng đánh sập toàn bộ mạng lưới điện trong những khoảng thời gian dài.
Theo trang NextGov, căn cứ hỗn hợp San Antonio ở thành phố Lackland (bang Texas) nằm trong số những căn cứ quân sự đầu tiên của không quân Mỹ thử nghiệm năng lực phòng thủ trước EMP. Và địa điểm được thử nghiệm là một khu phức hợp, chứa đường ống ngầm nối liền hai khu vực trực thuộc căn cứ.

EMP là gì?

EMP là một vụ nổ lớn của năng lượng điện từ, có thể xảy ra tự nhiên hoặc do vũ khí nguyên tử. Trong khi nhiều chuyên gia không cho rằng EMP là mối đe dọa tiềm tàng, một số người báo động những dạng vũ khí này có thể gây gián đoạn trên diện rộng tại các cộng đồng phụ thuộc vào điện.

Một hoạt động tại căn cứ hỗn hợp San Antonio

DVIDS

“Chỉ cần một quả bom hay tên lửa cũng đủ sức đánh sập toàn bộ mạng lưới điện của Bắc Mỹ”, theo nhà phân tích quân sự Peter Pry, cựu thành viên của Ủy ban EMP thuộc quốc hội Mỹ. Đây là ủy ban được thiết lập nhằm đánh giá mối đe dọa từ các vụ tấn công EMP, nhưng đã bị giải tán năm 2017.
“Một khi mạng lưới điện bị sập, mọi thứ liên quan có thể sụp đổ”, ông Pry nêu lên những lĩnh vực phụ thuộc vào điện như viễn thông, giao thông và thậm chí hệ thống cung cấp nước sinh hoạt.
Theo trang GovTech, vụ thử nghiệm ở căn cứ Lackland được thực hiện theo sắc lệnh hành pháp năm 2019 của Tổng thống Mỹ lúc đó là Donald Trump, với nội dung yêu cầu chính quyền liên bang tăng cường năng lực bảo vệ cơ sở hạ tầng trước các vụ tấn công dạng này.

Tại sao EMP lại nguy hiểm đến thế?

Một vụ nổ EMP phóng thích những đợt xung điện từ cực mạnh, giống như thể một quả nam châm khổng lồ đang di chuyển. Với sự bùng nổ năng lượng ở mức nguy hiểm, EMP có thể phá hỏng bất kỳ thiết bị điện tử nào trong tầm tấn công của nó.
Những đợt xung điện từ có thể diễn ra một cách tự nhiên hoặc cố ý. Trong tự nhiên, mặt trời là nguồn phát EMP dưới dạng các cơn bão điện từ.

Mô phỏng một vụ tấn công của bão mặt trời

NASA

Lần gần đây nhất Trái đất đã trải qua một vụ tấn công ở mức độ phá hủy của bão mặt trời là vào năm 1859, tức cách đây 162 năm.
Được đặt tên theo nhà thiên văn học người Anh, Sự kiện Carrington đã ập xuống Trái đất vào tháng 8.1859, thời điểm các mạng lưới điện vẫn trong giai đoạn sơ khai. Dù lúc đó thiết bị điện tử vẫn còn hiếm hoi, vụ tấn công EMP từ mặt trời đã đánh sập hầu hết hệ thống điện báo và khiến một số tòa nhà bị cháy.
Kế đến là vụ tấn công EMP có chủ đích. Ông Pry tính toán chỉ cần kích nổ một vũ khí hạt nhân ở độ cao 300 km trên bầu trời nước Mỹ, sóng EMP sẽ ập xuống và hầu như toàn bộ khu vực Bắc Mỹ chẳng thể nào thoát khỏi. Hậu quả là mọi thiết bị điện tử nằm trong tầm tấn công đều bị phá hủy.
Một vụ nổ EMP với bán kính dưới 1 km cũng có thể tạo ra sức công phá đáng sợ. Hiện quân đội Mỹ đang sở hữu một nguyên mẫu tên lửa hành trình mang theo nguồn phát EMP.

Đồ họa mô tả một tên lửa hành trình CHAMP của Boeing mang nguồn phát EMP làm cúp điện và phá hủy các thiết bị điện tử tại mục tiêu

Boeing

Được gọi là CHAMP, loại vũ khí này có thể được sử dụng để tấn công các mục tiêu cụ thể, và chuyên gia Pry cảnh báo rằng năng lực chế tạo nguồn phát EMP đang nằm trong tầm tay của nhiều quân đội trên thế giới và cả các tổ chức khủng bố.
“Chúng ta đang đến thời điểm khi mà một cá nhân nếu được trang bị vũ khí phù hợp cũng đủ sức phá hủy những nền tảng cơ sở hạ tầng của một đô thị”, ông Pry kết luận.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.