Quân đội Myanmar nói gì về chính biến?

01/02/2021 13:09 GMT+7

Quân đội Myanmar tuyên bố do vấn đề gian lận bầu cử không được giải quyết, gây ra biểu tình và bạo loạn, nên phải ban bố tình trạng khẩn cấp.

Theo thông báo của quân đội Myanmar được Reuters đăng tải, lực lượng này cho rằng danh sách cử tri được sử dụng trong cuộc tổng tuyển cử ngày 8.11.2020 có nhiều điểm không thống nhất nhưng Ủy ban Bầu cử liên hiệp (UEC) không giải quyết vấn đề và đã dẫn đến các cuộc biểu tình và bạo động trên khắp cả nước.
Bên cạnh đó, quân đội cáo buộc UEC làm ngơ trước lời kêu gọi tạm hoãn quốc hội.

Chính biến tại Myanmar: bà Aung San Suu Kyi là ai?

Quân đội Myanmar tuyên bố tình trạng khẩn cấp được ban bố trên toàn quốc theo điều 417 của hiến pháp năm 2008, cho phép làm điều này trong tình huống chủ quyền đất nước, đoàn kết dân tộc có nguy cơ bị xâm phạm bởi hành động phi pháp.
Theo thông báo của quân đội, toàn bộ quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp được trao lại cho Tổng tư lệnh Min Aung Hlaing trong khi Phó tổng thống U Myint Swe sẽ làm tổng thống tạm quyền. Ngoài ra, toàn bộ chức năng lập pháp của quốc hội sẽ bị tạm hoãn từ ngày ban bố tình trạng khẩn cấp.
Theo Reuters, Hiệp hội Ngân hàng Myanmar đã thông báo tạm hoãn mọi dịch vụ tài chính do kết nối internet bị ảnh hưởng. Các ngân hàng sẽ xin ý kiến của ngân hàng nhà nước về quyết định này và sẽ thông báo khi khôi phục hoạt động.
Lãnh đạo cộng đồng người Rohingya đang sống lưu vong tại Bangladesh, ông Dil Mohammed lên án hành động của quân đội và kêu gọi quốc tế lên tiếng, khôi phục dân chủ tại Myanmar “bằng bất cứ giá nào”.

Binh lính Myanmar trong tòa nhà chính quyền ở Yangon

Reuters

Cộng đồng quốc tế đã có thêm phản ứng về những diễn biến mới nhất tại Myanmar. Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres “lên án mạnh mẽ” việc bắt giữ Cố vấn nhà nước Aung San Suu Kyi cùng các lãnh đạo, quan chức khác và hối thúc giới chỉ huy quân sự Myanmar tôn trọng mong muốn của người dân.
Sau khi Nhà Trắng phát thông điệp cảnh báo, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken bày tỏ lo ngại và báo động về thông tin các lãnh đạo dân sự Myanmar bị bắt giữ. Ông Blinken kêu gọi chỉ huy quân sự Myanmar thả những quan chức bị bắt và tôn trọng mong muốn của người dân, đã được thể hiện qua cuộc tổng tuyển cử tháng 11.2020.

Người dân Myanmar nói gì về chính biến bất ngờ?

Bộ Ngoại giao Singapore bày tỏ lo ngại nghiêm trọng về tình hình tại Myanmar và cho biết đang theo dõi sát sao những diễn biến. Singapore kêu gọi các bên kiềm chế, duy trì đối thoại và nỗ lực đạt kết quả tích cực, ôn hòa. Indonesia cũng ra thông báo tương tự.
Trong khi đó, Thủ tướng Campuchia Hun Sen và Phó thủ tướng Thái Lan Prawit Wongsuwan cho rằng chính biến tại Myanmar là vấn đề nội bộ của họ và nên các nước này từ chối bình luận. Người phát ngôn tổng thống Philippines Harry Roque nói nước này không can thiệp vấn đề nội bộ của Myanmar và nhấn mạnh điều quan trọng lúc này là sự an toàn của công dân Philippines tại Myanmar.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.