Quy trình luận tội tổng thống Mỹ diễn ra thế nào?

25/09/2019 11:33 GMT+7

Quy trình luận tội Tổng thống Donald Trump sẽ trải qua nhiều bước và nhà lãnh đạo chỉ bị hạ bệ nếu hạ viện lẫn thượng viện thông qua.

Hạ viện do phe Dân chủ kiểm soát ngày 24.9 mở cuộc điều tra luận tội Tổng thống Donald Trump sau khi cáo buộc ông lạm dụng quyền lực trong quá trình chuẩn bị tái tranh cử.
Tổng thống Trump bị cáo buộc đã gọi cho Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky để gây sức ép, yêu cầu điều tra ông Hunter Biden, thành viên ban quản trị một công ty khí đốt ở Ukraine và là con trai của ông Joe Biden, ứng cử viên tổng thống đảng Dân chủ.

[VIDEO] Hạ viện Mỹ sẽ chính thức xúc tiến điều tra luận tội Tổng thống Trump

Tổng thống Trump ngày 24.9 tuyên bố cuộc gọi ngày 25.7 là hoàn toàn phù hợp và ông không hề đặt sức ép lên ông Zelensky.
Hiến pháp Mỹ quy định tổng thống có thể bị phế truất vì tội phản quốc, nhận hối lộ hoặc các tội hình sự nặng nhẹ khác, theo Reuters. Tuy nhiên, việc gây sức ép lên lãnh đạo nước ngoài nhằm tác động đến cuộc bầu cử Mỹ vẫn còn đang khiến giới làm luật tranh cãi liệu có thể được coi là tội để xem xét phế truất hay không.

Quy trình luận tội được bắt đầu từ hạ viện và trải qua nhiều bước

Reuters

Việc luận tội bắt đầu bằng cuộc điều tra của quốc hội. Ủy ban Tư pháp hạ viện hoặc thượng viện có thể tiến hành cuộc điều tra này. Nếu đủ bằng chứng, ủy ban điều tra sẽ soạn văn bản luận tội và đưa ra toàn hạ viện bỏ phiếu.
Tổng thống bị tuyên có tội nếu hơn 50% nghị sĩ bỏ phiếu đồng ý. Văn bản sau đó được chuyển lên thượng viện.
Tại đây, quá trình phân xử diễn ra như một vụ xét xử ở tòa án. Trong đó các hạ nghị sĩ trong vai trò công tố viên, các thượng nghị sĩ là bồi thẩm đoàn còn tổng thống là “bị cáo” được đội ngũ luật sư bào chữa. Chánh án tòa án tối cao Mỹ sẽ làm chủ tọa phiên tòa.

Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi (trái) tuyên bố không ai đứng trên luật pháp còn Tổng thống Donald Trump gọi cuộc điều tra là "rác rưởi"

AFP/Reuters

Sau phiên phân xử, toàn bộ 100 thượng nghị sĩ sẽ bỏ phiếu và tổng thống chỉ bị kết tội và phế truất nếu 2/3 thượng nghị sĩ tán thành với điều này. Sau khi tổng thống bị phế truất, phó tổng thống sẽ trở thành tổng thống và giữ ghế cho đến hết nhiệm kỳ của người tiền nhiệm.
Hạ viện Mỹ hiện có 235 nghị sĩ đảng Dân chủ, 199 nghị sĩ đảng Cộng hòa và 1 nghị sĩ độc lập. Với tỷ lệ này thì phe Dân chủ có thể thông qua việc luận tội Tổng thống Trump ở hạ viện mà không cần sự giúp đỡ từ phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, việc đảng Cộng hòa đang giữ thế đa số ở thượng viện khiến cho khả năng Tổng thống Trump bị phế truất được đánh giá là khó xảy ra.
Hơn nữa, giới nghị sĩ đảng Dân chủ bị cho là còn chia rẽ về việc luận tội, theo AFP. Chủ tịch hạ viện Nancy Pelosi từng nói rằng việc luận tội sẽ không đi đến đâu vì đảng Cộng hòa đang kiểm soát thượng viện. Bên cạnh đó, cuộc luận tội nếu thất bại sẽ gây tác hại đến chiến dịch giành lại toàn quyền kiểm soát lưỡng viện và cuộc đua vào Nhà Trắng của phe Dân chủ vào tháng 11.2020.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.