Theo AFP, các siêu thị, cửa hàng bán lẻ ở Nhật Bản bắt đầu tính tiền đối với túi ni lông cung cấp cho khách hàng nhằm cắt giảm rác thải nhựa, theo quy định tương tự tại nhiều nền kinh tế phát triển.
Từ ngày 1.7, các cơ sở bán lẻ này được quyền tự đưa ra mức giá đối với túi ni lông, với giá thông thường là 3 yen (650 đồng). Quy định mới tỏ ra có tác dụng khi nhiều người tự mang theo túi, thậm chí có người đem hàng về nhà mà không cần túi xách khi mua ít.
“Hiện có rất nhiều vấn đề như môi trường và tình trạng ấm lên toàn cầu. Mỗi người chúng ta cần có ý thức hơn về các vấn đề này, và đó là lý do tại sao tôi tự mang theo túi mua sắm”, theo khách hàng Yoshimi Soeda (66 tuổi) tại một cửa hàng ở Tokyo
|
Du khách đến Nhật trước đây thường bất ngờ trước số lượng bao bì nhựa được sử dụng và phần lớn các cửa hàng tiện ích dùng màng nhựa để bao bọc riêng từng quả chuối. Lượng rác thải bao bì nhựa tính trên đầu người tại Nhật chỉ đứng sau Mỹ, theo Liên Hiệp Quốc.
Với chính sách mới, Nhật quyết tâm cắt giảm việc sử dụng nhựa quá mức và sẽ suy nghĩ về việc sử dụng một cách khôn ngoan.
Chính phủ cho biết việc đưa ra phí trên toàn quốc nhằm khiến mọi người suy nghĩ lại rằng có thực sự cần 1 túi ni lông hay không và giúp mọi người xem lại cách sống của họ. Vào năm 2018, Nhật cam kết đến năm 2030 sẽ giảm 1/4 trong tổng số 9,4 triệu tấn rác thải nhựa hằng năm. Lãnh đạo các nước G20 tại hội nghị năm ngoái ở Osaka cũng đồng ý giảm rác thải nhựa đại dương .
Nhật có hệ thống xử lý rác thải khiến nhiều nước ghen tị và chính phủ cho biết hơn 80% rác thải nhựa được tái chế. Tuy nhiên, quy trình tái chế bị cho là tạo ra khí nhà kính gây biến đổi khí hậu. Theo số liệu của chính phủ, bao bì nhựa chiếm khoảng 2% tổng lượng rác thải nhựa của cả nước.
Bình luận (0)