Hành tinh được xếp vào nhóm “siêu Trái đất” là một trong số ít các thiên thể có kích thước và quỹ đạo tương tự địa cầu của chúng ta, theo trang Gizmodo đưa tin.
Nhóm phát hiện là các nhà thiên văn học của Đại học Canterbury ở New Zealand giải thích rằng hành tinh trên có khối lượng nằm trong khoảng sao Kim và Trái đất.
Sao trung tâm của nó có khối lượng chỉ bằng 10% của mặt trời, và quỹ đạo của “siêu Trái đất” này cũng nằm giữa sao Kim và địa cầu, với một năm của nó bằng 617 ngày.
Tiến sĩ Herrera Martin, tác giả chính của báo cáo, gọi phát hiện trên là “một triệu hành tinh mới có một”.
“Siêu Trái đất” được khám phá nhờ vào bộ ba kính thiên văn ở Chile, Úc và Nam Phi, với năng lực mỗi 15 phút có thể đo đạc nguồn sáng phóng thích từ khoảng 100 triệu ngôi sao, theo Trợ lý giáo sư của Đại học Canterbury Michael Albrow cho biết.
“Tiến sĩ Martin là người đầu tiên lưu ý đến hình dạng bất thường từ nguồn sáng ở hướng một hệ sao. Ông đã dành nhiều tháng phân tích trên máy tính trước khi rút ra kết luận rằng đây là một hệ sao với hành tinh khối lượng thấp”, giáo sư Albrow giải thích.
Theo Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ, dù giới thiên văn học vẫn chưa nắm được nhiều thông tin về các siêu Trái đất, nhưng rõ ràng chúng không phản ánh điều kiện lý tưởng cho sự sống sinh sôi, ít nhất là theo quan điểm của con người.
Chẳng hạn, một siêu Trái đất có tên Kepler-22b là thế giới nước thật sự, với đại dương bao phủ toàn bộ bề mặt, trong khi có một hành tinh với nhiệt độ nóng đến nổi có thể làm tan chảy và bốc hơi kim loại.
Hồi đầu tháng 1, các nhà nghiên cứu của Đại học California ở Riverside (Mỹ) cũng công bố phát hiện về một siêu Trái đất có nhiệt độ bề mặt khoảng 1.800oC, đang xoay quanh một trong những ngôi sao già nhất của Dải Ngân hà, theo Đài CNN.
Bình luận (0)