Tối qua (7.4), trả lời phỏng vấn Thanh Niên, giới chuyên gia quốc tế nhận định Việt Nam đã thực hiện một biện pháp cần thiết và quan trọng khi gửi công hàm lên Liên Hiệp Quốc để phản đối các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc trên Biển Đông.
Cần nhiều biện pháp
Theo TS Koh Swee Lean Collin - chuyên gia quốc phòng tại Trường Nghiên cứu quốc tế S.Rajaratnam (Singapore), các bên liên quan đến tranh chấp ở Biển Đông đã đưa ra yêu cầu đồng thời phản bác yêu cầu tại Liên Hiệp Quốc. Đối với các thành viên ASEAN thì biện pháp pháp lý có ý nghĩa chính là việc đệ trình lên Liên Hiệp Quốc.
Tương tự, TS James Holmes (Đại học Hải chiến Mỹ) đánh giá Việt Nam cần sử dụng nhiều biện pháp khác nhau, bao gồm cả vấn đề pháp lý, nhằm ngăn cản việc Trung Quốc biến các tuyên bố phi pháp thành hiện thực. Sẽ là ác mộng nếu các bên liên quan không lên tiếng để đảm bảo các quyền hợp pháp. Nếu để điều đó xảy ra, Trung Quốc sẽ tự đặt ra các thông lệ mới, bất chấp phán quyền của Tòa trọng tài quốc tế ở The Hague (PCA) hồi năm 2016 đã bác bỏ tuyên bố chủ quyền do Bắc Kinh đưa ra. Việt Nam nên tổng hợp tất cả các tài liệu như thế vào hệ thống hồ sơ để công bố đến thế giới.
Việt Nam và các đối tác trong khu vực cần liên tục phản đối những yêu sách phi pháp của Trung Quốc nhằm duy trì luật pháp trong khu vựcGS James Kraska (chuyên ngành luật hàng hải quốc tế - Đại học Hải chiến Mỹ) |
“Tuy nhiên, những nỗ lực ngoại giao là chưa đủ trong bối cảnh hiện nay. Các nước Đông Nam Á cần có sự phối hợp để tạo nên những hành động hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, khối ASEAN cũng cần lưu ý đến một rủi ro khi đàm phán Bộ quy tắc ứng xử chung trên Biển Đông (COC). Đó là đừng hoàn toàn đặt niềm tin vào các thỏa thuận với Trung Quốc, bởi nước này vẫn thường có thói quen sẵn sàng từ bỏ các cam kết để theo đuổi lợi ích”, TS Holmes nhấn mạnh.
Liên tục phản đối các yêu sách phi pháp
Ông James Kraska, giáo sư về luật hàng hải quốc tế - Đại học Hải chiến Mỹ: Các phản đối thông qua biện pháp ngoại giao mà Việt Nam thực hiện có ý nghĩa quan trọng để thiết lập những cơ sở pháp lý cho các tuyên bố chủ quyền. Rõ ràng, Trung Quốc đã cố chấp theo đuổi các tuyên bố chủ quyền phi pháp đối với những vùng biển thuộc chủ quyền, quyền tài phán của nước khác. Chính vì thế, Việt Nam và các đối tác trong khu vực cần liên tục phản đối những yêu sách phi pháp của Trung Quốc nhằm duy trì luật pháp trong khu vực.
Đồng ý với những biện pháp pháp lý, bởi PGS Stephen Robert Nagy (Đại học Cơ Đốc giáo quốc tế - Nhật Bản, Học giả tại Quỹ Châu Á - Thái Bình Dương ở Canada) cho rằng Việt Nam có lý lẽ hợp pháp, được sự ủng hộ của luật pháp quốc tế, nhưng ông cũng đặt ra một thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Đó là Trung Quốc có sức mạnh kinh tế tác động với nhiều bên liên quan. Về quân sự, Bắc Kinh cũng có lực lượng rất mạnh. Chính vì thế, Trung Quốc đang theo đuổi chiến lược “lý lẽ của kẻ mạnh” trên Biển Đông, mà để ứng phó thì cần sự can dự mạnh mẽ hơn từ Mỹ hoặc một lực lượng đa phương.
Bên cạnh đó, để những kiến nghị liên quan tranh chấp Biển Đông khi đưa lên Liên Hiệp Quốc hiệu quả hơn, TS Satoru Nagao (Viện Nghiên cứu Hudson, Mỹ) cho rằng các nước cần phối hợp thêm để đề xuất một số biện pháp thay đổi về cách thức làm việc của Liên Hiệp Quốc. Bởi theo TS Nagao, Trung Quốc hiện có quan hệ và ảnh hưởng quá sâu sắc với nhiều định chế thuộc nhóm Liên Hiệp Quốc, nên cần thay đổi để các quyết định liên quan Bắc Kinh được tổ chức này đưa ra một cách khách quan hơn.
Bình luận (0)