Tàu sân bay Mỹ thăm Việt Nam: Trẻ em, âm nhạc và chia sẻ

08/03/2018 07:34 GMT+7

Hôm qua là một ngày nhiều cảm xúc của đoàn hải quân Mỹ thuộc nhóm tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Việt Nam khi các sĩ quan, thủy thủ chia nhau đi thăm những trẻ em bất hạnh tại Đà Nẵng.

Buổi sáng, ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng, tiếng nhạc lời ca đã cất lên do các thành viên ban nhạc Hạm đội 7 biểu diễn. Đây là nơi nuôi dưỡng 150 trẻ em khuyết tật và nạn nhân chất độc da cam với nhiều di chứng trên cơ thể. Tuy nhiên, em nào cũng lắc lư, vỗ tay theo điệu nhạc khi Emily Kershaw, ca sĩ chính của ban nhạc, cất tiếng hát...
Xóa nhòa khoảng cách
Trong 3 ngày qua, Emily Kershaw có 4 suất biểu diễn và đều hát Nối vòng tay lớn. Chị đã hát từ cầu Rồng - biểu tượng của TP.Đà Nẵng đến công viên Biển Đông - nơi Đà Nẵng bày tỏ khát vọng hòa bình; từ Làng SOS - nơi nuôi dưỡng các em mồ côi đến Trung tâm chăm sóc, dạy nghề cho nạn nhân dioxin, người khuyết tật. Đây là lý do lần nào biểu diễn, Kershaw cũng cảm thấy rất mới mẻ bởi địa điểm và khán giả quá đặc biệt...
Trong phần biểu diễn sáng qua ở Trung tâm bảo trợ nạn nhân chất độc da cam và trẻ em bất hạnh TP.Đà Nẵng, một lần nữa chị muốn chứng minh bất đồng ngôn ngữ không thể cản trở sự chia sẻ tình cảm của đoàn hải quân tàu sân bay USS Carl Vinson, bởi âm nhạc đã xóa nhòa mọi khoảng cách. Chị chia sẻ thêm ban đầu định hát bài Hello Việt Nam, vốn dễ hát vì song ngữ nhưng đã bị chinh phục bởi nhịp điệu sôi nổi của ca khúc Nối vòng tay lớn ngay từ lần đầu được nghe.
Thủy thủ tàu thăm trẻ em khuyết tật Ảnh: Huy Đạt

Không chỉ có âm nhạc, các quân nhân tàu sân bay USS Carl Vinson đã cùng trẻ khuyết tật thử xe hương, kết cườm, làm hoa voan... Nhiều thủy thủ phải “nhăn mặt” vì độ khó khi hoàn tất các sản phẩm thủ công. Theo Phó tổng lãnh sự Mỹ tại TP.HCM Timothy Liston, những hoạt động vì cộng đồng như vậy rất cần thiết khi mang đến niềm vui nho nhỏ cho trẻ có hoàn cảnh bất hạnh. “Nếu có cách nào đó giúp chúng tôi kết nối với trẻ em Việt Nam như xây dựng trường học, giao lưu cộng đồng... thì quả là điều kiện tuyệt vời để hai nước xây dựng quan hệ tin tưởng và hiểu biết lẫn nhau, cùng hướng đến tương lai tốt đẹp hơn”, ông gợi mở.
Cũng theo phó tổng lãnh sự, hình ảnh các thủy thủ và trẻ em đã “đại diện” cho việc tăng cường giao lưu song phương. Trong hợp tác an ninh - quốc phòng, không chỉ có đưa tàu thăm cảng mà phía Mỹ còn mong muốn các thủy thủ chia sẻ văn hóa thông qua âm nhạc, ẩm thực và tái khẳng định cam kết lâu dài với Việt Nam.
Cùng chăm trẻ khuyết tật
Trung tâm nuôi dưỡng trẻ mồ côi chữ thập đỏ TP.Đà Nẵng (Q.Ngũ Hành Sơn) cũng đầy ắp tiếng cười trong hôm qua. Đặt chân đến trung tâm đúng lúc các trẻ chuẩn bị ăn cơm, đoàn sĩ quan, thủy thủ Hạm đội 7 nhanh chóng tham gia trợ giúp. Mỗi người một việc: bón từng muỗng cơm cho trẻ bại não, bế trẻ đong đưa hát ru, chơi đùa nựng nịu... Trung sĩ Derrick Moore (phụ trách nhiên liệu cho máy bay chiến đấu trên tàu USS Carl Vinson) cũng có con nhỏ, khi nhìn thấy những đứa trẻ kém may mắn chống chọi với bệnh tật, anh đã nảy sinh nhiều đồng cảm. “Tôi cảm thấy yêu thương các bé. Tôi bón cơm như cách mình vẫn thường chăm con vậy”, Moore chia sẻ.
Chứng kiến sự ân cần, gần gũi và đầy tình cảm của đoàn thủy thủ Mỹ, bà Trần Thị Nhì, Giám đốc trung tâm, rất xúc động: “Khi nhận được tin đoàn thủy thủ sẽ đến thăm các em, tôi đã rất bất ngờ. Nay chứng kiến cảnh họ chăm sóc, yêu thương trẻ khuyết tật, tôi ứa nước mắt”.
Trao đổi chuyên môn với Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng
Cũng trong ngày 7.3, tàu sân bay USS Carl Vinson đón đoàn lãnh đạo, cán bộ chiến sĩ Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng lên tham quan và giới thiệu hệ thống phòng thủ an ninh, khí tài và trao đổi về hệ thống trang thiết bị PCCC, cứu nạn trên tàu. Trong đó có xe chữa cháy máy bay, hệ thống chữa cháy tự động, phương tiện, trang phục... Tàu trang bị hệ thống 20 bể hóa chất chữa cháy, 10 kho trang thiết bị PCCC, đội phản ứng nhanh gồm 200 người.  Chiều cùng ngày, lực lượng tàu sân bay USS Carl Vinson thăm Cảnh sát PCCC TP.Đà Nẵng và xem biểu diễn chữa cháy, cứu người mắc kẹt trong hỏa hoạn ở nhà cao tầng, chữa cháy trong không gian hẹp, công nghệ cứu hỏa mới...


Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.