Vào tháng 8.2018, Tàu thám hiểm mặt trời Parker đã áp sát mặt trời ở khoảng cách chưa từng có, chỉ cách sao trung tâm của chúng ta 24,14 triệu km.
Sau thời gian phân tích, các nhà khoa học hôm 4.12 bắt đầu công bố những phát hiện mới có thể thay đổi những hiểu biết của con người về cách thức các ngôi sao chào đời, tiến hóa và tàn lụi.
“Ba đợt tiếp cận đầu tiên của tàu Parker vô cùng tuyệt vời”, theo Reuters dẫn lời trưởng nhóm nghiên cứu, giáo sư Stuart Bale của Đại học California ở Berkeley (Mỹ).
“Chúng tôi có thể thấy được cấu trúc từ của vành nhật hoa, từ đó cho thấy gió mặt trời xuất phát từ những lỗ nhỏ trên vành này”, giáo sư Bale cho biết.
Nhờ vào tàu Parker, các nhà nghiên cứu cũng tìm ra lời giải của một trong những bí ẩn lâu nay về mặt trời: Tại sao vành nhật hoa nóng gấp hàng trăm lần bề mặt của sao trung tâm?
“Vành nhật hoa nóng đến cả triệu độ C, nhưng nhiệt độ ở bề mặt chỉ dừng lại ở con số hàng ngàn (hơn 5.500oC)”, theo báo The Guardian dẫn lời một thành viên của nhóm, giáo sư Tim Horbury của Đại học Hoàng đế London (Anh).
Kết quả quan sát cho thấy những hạt của gió mặt trời từ bên trong được tống ra với tốc độ còn hơn động cơ phản lực ra bên ngoài, khiến khí quyển của mặt trời nóng gấp nhiều lần so với bề mặt của nó.
Một ngạc nhiên nữa chính là tình trạng bụi bặm dày đặc ở khu vực gần mặt trời. Trong lần tiếp cận gần nhất, Parker bị dính bụi tỏa ra từ sao trung tâm, khiến lá chắn nhiệt của con tàu bị thủng lỗ chỗ.
Các nhà nghiên cứu cho rằng số bụi này là tàn tích của các tiểu hành tinh và sao chổi đã “dại dột” đến quá gần mặt trời, khiến chúng bị tan biến và chỉ còn sót lại những làn bụi mỏng.
Dự kiến Parker sẽ tìm cách đến gần mặt trời hơn nữa, đến điểm chỉ cách bề mặt khoảng 6 triệu km trong nỗ lực thực thi sứ mệnh đầy táo tợn nhằm hóa giải thêm nhiều bí mật của mặt trời trong tương lai.
Đồng thời, những thông tin thu được hứa hẹn giúp chúng ta tìm ra biện pháp bảo vệ các phi hành gia trước tác động có hại của thời tiết vũ trụ trong lúc thực hiện những chuyến du hành dài ngày xuyên hệ mặt trời.
Bình luận (0)