‘Bắt’ được ánh sáng chói lòa nhất trong lịch sử nhân loại từ vũ trụ xa xôi

22/11/2019 06:00 GMT+7

Sau gần nửa thế kỷ chờ đợi, các nhà khoa học cuối cùng đã chứng kiến hiện tượng bùng phát tia gamma (GRB) trong một vụ nổ phóng thích ánh sáng rực rỡ và chói chang nhất trong lịch sử nhân loại.

Hiện tượng ngắn ngủi nhưng mang theo uy lực cực mạnh đã xảy ra cách địa cầu khoảng 7 tỉ năm ánh sáng, xuất phát từ một ngôi sao đang giẫy chết trong một vụ nổ siêu tân tinh vào ngày 14.1.2019.
Chỉ cần vài giây, sự kiện GRB này đã phóng thích số năng lượng còn hơn nhiệt lượng tỏa ra từ mặt trời trong suốt 10 tỉ năm, theo Phys.org hôm 21.11.
Vụ bùng nổ tia gamma, gọi là GRB 190114C, đầu tiên lọt vào bộ đôi viễn vọng kính MAGIC trên quần đảo Canary, đánh động sự chú ý của các nhà thiên văn học ở đây.
Cơ quan hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) lập tức điều khiển Đài quan sát Neil Gehrels Swift và Kính thiên văn tia Gamma Fermi, trên quỹ đạo Trái đất hướng về nguồn phát sáng.

Mô phỏng vụ nổ GRB 190114C

Trong vòng 22 giây, cả hai kính thiên văn phối hợp để truyền thông tin và hình ảnh cho các nhà thiên văn học trên toàn thế giới.
Đây là lần đầu tiên nhân loại quan sát trực tiếp một GRB, kể từ khi hiện tượng này được phát hiện cách đây 46 năm.
Có thể nói các chuyên gia Trái đất đã gặp may khi ghi nhận được ánh chớp từ vũ trụ xa xôi, vì GRB chỉ có thể quan sát được khi chùm tia di chuyển về hướng địa cầu, và phải ở góc độ lý tưởng trong lúc vụ nổ siêu tân tinh phóng thích vật liệu ở tốc độ bằng khoảng 99,99% vận tốc ánh sáng.
“Chúng tôi đã truy lùng hiện tượng này trong hơn 20 năm qua”, Space.com dẫn lời chuyên gia Razmik Mirzoyan, đồng tác giả của báo cáo mới. “Chúng tôi không những cần đến may mắn, mà còn dựa vào lòng kiên trì và bền bỉ”, ông kết luận.
 
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.