Tên lửa Arrow hạ tên lửa SAM: Israel 'dùng dao mổ trâu giết gà'?

19/03/2017 15:21 GMT+7

Quân đội Israel đã bị chê là "dùng dao mổ trâu giết gà" khi sử dụng hệ thống phòng thủ tên lửa hiện đại Arrow 3 để bắn hạ tên lửa đất đối không của Syria.

Không quân Israel hôm 17.3 tiến hành nhiều đợt không kích tại Syria nhắm vào đoàn xe tiếp tế vũ khí của lực lượng Hezbollah (Li Băng). Lực lượng này do Iran hậu thuẫn và được cho là đang chiến đấu cùng quân đội chính phủ Syria để chống quân nổi dậy. Các máy bay Israel khi trên đường quay về bị quân đội Syria dùng tên lửa đất đối không (SAM) được cho là loại S-200 (NATO gọi là SA-5) bắn theo, theo Times of Israel cùng ngày.
Các tên lửa này bay qua không phận Jordan và hướng về phía Jerusalem. Quân đội Israel sau đó sử dụng hệ thống phòng không tầm xa Arrow 3 đặt tại vùng đông bắc nước này đánh chặn được một trong các tên lửa SAM của Syria. The Jerusalem Post cho biết đây là lần đầu tiên hệ thống Arrow được sử dụng. 
Arrow là một trong 3 lớp thuộc hệ thống phòng không của Israel. Hai lớp phòng thủ khác của Israel là hệ thống Iron Dome nhằm chống các mối đe doạ tầm ngắn và Magic Wand phụ trách tầm trung.
Arrow 3 được biên chế hồi tháng 1, có thiết kế nhằm ngăn chặn các tên lửa đạn đạo tầm xa, tầm bắn ngoài bầu khí quyển, chứ không phải dùng để chống tên lửa SAM hay máy bay. Mỗi tên lửa đánh chặn của Arrow 3 ước tính trị giá khoảng 2,2 triệu USD.
Trong khi đó, tên lửa SAM được thiết kế nhằm phát nổ ở độ cao nhất định để tiêu diệt máy bay hoặc các loại tên lửa khác và không đặt ra nhiều đe doạ đối với người dân dưới đất, trừ trường hợp bị các mảnh vỡ rơi xuống trúng, theo Times of Israel. Quân đội Israel cũng xác nhận những tên lửa của Syria không gây nguy hiểm cho các máy bay Israel cũng như người dân dưới mặt đất.
Việc quân đội Israel sử dụng Arrow 3 để bắn hạ một tên lửa SAM của Syria gây ra nhiều thắc mắc và bị cho là giống "dùng dao mổ trâu giết gà". Cựu thủ tướng Israel, ông Ehud Barak ngày 18.3 cho rằng đáng ra quân đội cần suy nghĩ kỹ lưỡng hơn và việc sử dụng Arrow bắn tên lửa Syria là "không đáng" vì Israel đã phải lần đầu tiên thừa nhận thực hiện hành động quân sự đặc biệt tại Syria, theo báo Haaretz.
Iran thử nghiệm tên lửa đất đối không S-200 Reuters
Tuy nhiên, báo này đưa ra một cách giải thích cho quyết định khó hiểu của Israel. Theo đó, có thể radar của hệ thống Arrow đã xác định các tên lửa SA-5 của Syria là một mối đe doạ. Theo quân đội Israel, tên lửa Syria đã đi vào không phận nước này.
Haaretz cho rằng các tên lửa Syria sau khi phát nổ trên không đã tạo ra các mảnh vỡ khiến radar của Arrow nhận định là mối đe doạ lớn hơn so với mức độ thật sự. Hoặc cũng có thể Syria đã bắn các loại tên lửa khác chứ không phải là SA-5.
Trong khi đó, trang The Drive đặt ra một giả thuyết khác là các tên lửa của Syria đã được chuyển sang chế độ "đạn đạo" chứ không phải là tên lửa phòng không bình thường.
Ở chế độ này, tên lửa sẽ được phóng lên và bay theo quỹ đạo tự do "trong một nỗ lực tuyệt vọng" nhằm bay trúng máy bay Israel, vốn nằm ngoài tầm với của radar kiểm soát hoả lực của tên lửa SA-5.
Sau khi phóng, các tên lửa sẽ tự phát nổ khi đạt độ cao cần thiết hoặc tiếp tục bay theo đường quỹ đạo. Có khả năng khi đó các radar của Israel phát hiện tín hiệu "đạn đạo" từ tên lửa Syria nên mới phóng tên lửa đánh chặn.
Các tên lửa đánh chặn của hệ thống Arrow sau khi phóng lên đã kích hoạt hệ thống báo động tên lửa tại một số vùng ở nước này. Quân đội Israel sau đó triển khai lực lượng tìm kiếm mảnh vỡ tên lửa rơi xuống đất. Tuy nhiên, nhiều hình ảnh trên mạng xã hội cho thấy các bộ phận được cho là của tên lửa Arrow rơi xuống lãnh thổ Jordan.
Theo Haaretz, quân đội Israel đang điều tra liệu quyết định sử dụng hệ thống phòng không Arrow để bắn hạ tên lửa SAM tầm xa của Syria là có thích hợp hay không. The Drive thì cho biết đây có thể là lần đầu tiên một tên lửa SAM bị một hệ thống phòng không khác bắn chặn.
Top

Bạn không thể gửi bình luận liên tục. Xin hãy đợi
60 giây nữa.